Loạt doanh nghiệp 'tay ngang' lãi khủng khi chốt lời cổ phiếu đúng đỉnh
Thị trường chứng khoán có sự phục hồi tích cực trong quý I/2024 đã đem lại mức lợi nhuận đầu tư khá tốt cho nhiều chứng sĩ với động lực mặt bằng lãi suất thấp và sự kỳ vọng về kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp.
Nhịp tăng 13,13% của VN-Index trong 3 tháng đầu năm cũng giúp các doanh nghiệp “tay ngang” mang tiền đi đầu tư cổ phiếu có được mức sinh lời ấn tượng.
Đáng chú ý là CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (SMC) đã bán toàn bộ số cổ phiếu NKG có giá trị gốc là hơn 89,5 tỷ đồng trong quý I/2024. Qua đó, thép SMC đã thu về 215 tỷ đồng lợi nhuận của thương vụ này.
Thép SMC thu về 215 tỷ đồng từ thương vụ chốt lời cổ phiếu NKG |
CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC) ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán hơn 60,4 tỷ đồng trong quý I/2024. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 53,5 tỷ đồng.
Theo đó, tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, danh mục cổ phiếu của TVC có giá trị gốc là 881,1 tỷ đồng, giảm 339,6 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do chốt lời cổ phiếu HPG và FPT. Trong khi đó, công ty tăng tỷ trọng vào MWG và có thêm khoản đầu tư mới vào cổ phiếu SSI. Danh mục hiện có giá trị hợp lý hơn 1.004 tỷ đồng, như vậy công ty đang tạm lãi 14%, tương đương 123,2 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, Nhà Đà Nẵng (NDN) được biết đến là một doanh nghiệp ưa thích đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm cuối quý I/2024, khoản đầu tư chứng có giá gốc 393 tỷ đồng, giảm 34 tỷ so với đầu năm khi tiến hành chốt lời một nửa số cổ phiếu DGC, HPG, MWG, STB.
Xét theo giá gốc, nếu không tính nhóm cổ phiếu khác, cổ phiếu STB đang là khoản đầu tư lớn nhất của NDN trong danh mục, với hơn 52 tỷ đồng. Việc đầu tư vào STB giúp công ty tạm lãi hơn 6,3 tỷ đồng tại ngày 31/3. Ngoài ra, số lãi tạm tính tại ngày 31/3 khi đầu tư vào DGC là 17,9 tỷ đồng, tạm lãi 32,5 tỷ đồng từ HPG, 3,3 tỷ đồng từ MWG.
Danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của Nhà Đà Nẵng (NDN) |
Là ông lớn trong lĩnh vực xây dựng, Coteccons (CTD) chi hơn 238 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Tính đến ngày 31/3/2024, CTD tạm lãi hơn 70% (tương ứng 19,8 tỷ đồng) với khoản đầu tư vào cổ phiếu FPT giá gốc là 28,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù cơ cấu danh mục cổ phiếu của Coteccons không có nhiều sự thay đổi so với thời điểm đầu năm nhưng công ty trích lập dự phòng 953,8 triệu đồng, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái là hơn 19,7 tỷ đồng.
Một cái tên khác mới trở lại thị trường chứng khoán là CTCP Đầu tư Phát triển ST8 (ST8). Theo đó, trong quý đầu năm 2024, ST8 đã chi 100,7 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu, dự phòng giảm giá hơn 18,9 tỷ đồng. Trong danh mục, khoản đầu tư lớn nhất của công ty này là cổ phiếu AAH với giá trị gốc 62,7 tỷ đồng, đây cũng là khoản đầu tư đang lỗ duy nhất với mức lỗ 30,2%, tương đương 18,9 tỷ đồng. Các khoản còn lại đầu tư vào SHS, CEO, KBC, VIX, VPB, YEG, MSB đều ghi nhận có lãi.
Bên cạnh đó, Cơ điện lạnh (REE) cũng tham gia vào đầu tư cổ phiếu với khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) giá trị gốc 696 tỷ đồng.
Khoản đầu tư này mới chỉ xuất hiện trên BCTC của REE vào quý IV/2022 - thời điểm cổ phiếu VIB giảm mạnh xuống đáy 2 năm. Tính đến thời điểm cuối quý I/2024, REE đang nắm giữ 53,18 triệu cổ phiếu VIB, mức giá vốn chỉ 13.340 đồng/cp, chiếm 78% trong danh mục và không trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu này.
Tạm tính theo thị giá ngày 7/5, REE đang lãi hơn 444 tỷ đồng với khoản đầu tư vào cổ phiếu VIB.
REE vẫn nắm giữ hơn 53 triệu cổ phiếu với giá thấp |
Có thể thấy, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, việc doanh nghiệp đầu tư vào chứng khoán cũng mang đến đem đến mức sinh lời ấn tượng, thậm chí “gồng gánh” lợi nhuận khi mà tình hình kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc.
Nhìn lại việc chốt lời cổ phiếu của các doanh nghiệp trong quý I/2024 được đánh giá là “nước đi” đúng đắn trong bối cảnh thị trường trong tháng 4 gặp biến động trước nhiều tin tức tiêu cực, VN-Index quay đầu giảm gần 75 điểm khiến nhiều cổ phiếu cũng “bốc hơi” 15-20% thị giá.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn