Loạt doanh nghiệp từng ‘nổi đình nổi đám’ một thời tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần 2

Loạt doanh nghiệp tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần 2

Vào ngày 24/5, CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (HNX: CTC) không tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm 2024 lần 2 khi chỉ có duy nhất một cổ đông đến dự, đại diện cho 3,4 triệu cổ phiếu, chiếm 21,52% tổng số cổ phần được biểu quyết.

Một công ty chứng khoán cũng vừa phải dời lịch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sang ngày 14/6/2024 sau 2 lần bất thành. Cụ thể, trong lần tổ chức đầu tiên, Chứng khoán SBS (UPCoM: SBS) chỉ có 5 cổ đông, tương ứng tỷ lệ sở hữu hơn 5% đến dự đại hội vào ngày 29/4. Ở lần thứ hai được tổ chức vào ngày 24/5, ĐHĐCĐ năm 2024 cũng không đủ điều kiện tổ chức khi chỉ có vỏn vẹn 3 nhà đầu tư tới dự, đại diện 9,3% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngoài ra, CTCP Xuất Nhập khẩu Quảng Bình (UPCoM: QBS) tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần 2 vào ngày 27/5. Theo đó, đến 8h37p, số lượng cổ đông có mặt đại hội là 4 cổ đông, đại diện cho hơn 69,3 triệu cổ phần, tương ứng 13,43% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, thấp hơn tỷ lệ 33% theo quy định.

Mới đây nhất, vào chiều ngày 28/5, CTCP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đại hội chỉ có sự tham dự của 162 cổ đông (số lượng cổ đông ủy quyền là 17), đại diện cho hơn 24,6 triệu cổ phiếu, chiếm 9,62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, ĐHĐCĐ lần 2 của công ty không hợp lệ và không đủ điều kiện tiến hành (không đảm bảo tỷ lệ trên 33%).

Điểm tên các doanh nghiệp tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần 2
LDG tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần 2

Quá khứ một thời huy hoàng

Trước đó, LDG Group từng biết đến là doanh nghiệp có tiếng trong giới bất động sản với loạt dự án trọng điểm như High Intela Quận 8 TP. HCM, Sài Gòn Intela, Riva Park Đồng Nai…

Ở thời điểm năm 2018, LDG có bước chuyển mình sau 2 năm tái cấu trúc khi đạt mức kỷ lợi nhuận kỷ lục với hơn 603 tỷ đồng. Theo thông tin tích cực đó, thị giá của LDG đã tăng gấp 4 lần chỉ trong 1 năm khiến cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thắng lớn.

Bẵng đi một thời gian, đến thời điểm đầu tháng 10/2021, nổi sóng cùng với nhóm bất động sản, cổ phiếu LDG tăng phi mã hơn 300% từ vùng 5.x lên 27.x chỉ trong vòng hơn 4 tháng. Đi cùng với đó, thanh khoản ghi nhận sự bùng nổ với trên 10 triệu đơn vị sang tay mỗi phiên.

Sau thời gian đó, LDG Group liên tiếp gặp các “vận hạn” xảy đến. Các dự án lớn nằm “đắp chiếu” trong thời gian dài đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó khi ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc, áp lực trả lãi lớn bào mòn lợi nhuận. Bên cạnh đó, vào cuối năm 2023, thông tin Chủ tịch HĐQT LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố do liên quan đến các dự án ở Trảng Bom, Đồng Nai là dấu chấm hết cho niềm tin của nhà đầu tư về doanh nghiệp.

Giá cổ phiếu LDG theo đó đã “bốc hơi” gần 90% giá trị từ vùng đỉnh lịch sử 27.x xuống còn mức đáy lịch sử vùng 2.9x như hiện nay.

Điểm tên các doanh nghiệp tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần 2
Cổ phiếu LDG từng ghi nhận mức tăng mạnh trong quá khứ

Hay như CTCP Xuất Nhập khẩu Quảng Bình cũng từng giúp nhà đầu tư thắng lớn với các đợt tăng giá mạnh mẽ. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 2 - tháng 6/2017, cổ phiếu QBS tăng hơn 180% từng vùng giá 4.4x lên 12.x. Hay vào cuối tháng 6/2020, thị giá QBS đã tăng gấp đôi với 11 phiên tăng kịch trần. Cùng với sóng tăng của thị trường năm 2021, cổ phiếu cũng mang lại “trái ngọt” cho nhà đầu tư khi tăng hơn 230% chỉ trong vòng hơn 5 tháng.

Tuy nhiên, vết trượt dài khi kinh doanh thua lỗ dẫn đến hủy niêm yết trên HoSE đã khiến cho nhà đầu tư dần mất niềm tin vào QBS.

Trái ngược với quá khứ đầy huy hoàng, các doanh nghiệp trên hiện mang đến cho nhà đầu tư là bức tranh kinh doanh ảm đạm khiến thị giá cổ phiếu lao dốc. Niềm tin của nhà đầu tư đối với công ty cũng dần mất đi, đặc biệt là khi loạt doanh nghiệp trên phải tiếp tục chờ ĐHĐCĐ thường niên lần 3 do không đủ tỷ lệ cổ đông tham gia theo quy định.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn