Loạt doanh nghiệp xi măng thua lỗ, có doanh nghiệp vào diện thanh tra

Theo quyết định thanh tra số 179 vừa được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường ký ban hành, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra tại Vicem và 3 công ty con là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vicem Hà Tiên. Thời kỳ thanh tra là năm 2023.

Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó là việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Vicem đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn trong sản xuất kinh doanh xi măng, xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm mạnh, cả ở trong nước lẫn xuất khẩu; bất động sản phục hồi chậm; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao... Kết quả kinh doanh của tổng công ty và các đơn vị thành viên đều xuống dốc trông thấy.

-6729-1720508462.jpg

Hàng loạt doanh nghiệp xi măng tiếp tục báo lỗ trong quý I/2024 khi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý I/2024 của Vicem Bút Sơn (BTS) ghi nhận doanh thu thuần kỳ này đạt gần 515 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Sau trừ chi phí, BTS báo lỗ sau thuế 55,48 tỉ đồng, cao gấp hơn 3 lần mức lỗ cùng kỳ và là doanh nghiệp lỗ nặng nhất, đánh đấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.

Kết quả kinh doanh đi xuống của BTS góp phần vào bức tranh ảm đạm chung của công ty mẹ VICEM trên báo cáo hợp nhất. Vicem sở hữu 79,51% cổ phần Vicem Bút Sơn.

Không chỉ riêng Vicem Bút Sơn, một số các công ty con cổ phần khác của Vicem cũng rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ.

Chẳng hạn, trong quý I/2024, công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) tiếp tục lỗ 25 tỉ đồng, cùng kỳ lỗ 86 tỉ đồng. Không khá hơn, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) lỗ ròng gần 49 tỉ đồng, nối dài chuỗi thua lỗ lên con số 7 quý liên tiếp của doanh nghiệp (từ quý III/2022).

Ngoài ra, trong quý I/2024, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai lỗ 5,3 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân lỗ 20 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI lỗ 6,3 tỷ đồng...

Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) và nhiều doanh nghiệp, trong năm 2024 khó khăn dự kiến vẫn còn tiếp tục đeo bám ngành xi măng, như lĩnh vực xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi...

Thị trường nội địa ảm đạm, tiêu thụ chỉ quanh 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể lên tới 130 triệu tấn, nếu không xuất khẩu được, nguy cơ phá sản tăng. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng, có thể thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010.

Tình trạng này, nhiều ông lớn đặt kế hoạch lợi nhuận bi quan. Điển hình như Xi măng Bỉm Sơn đưa kế hoạch 2024 với mức lỗ sau thuế gần 159 tỉ đồng; trong khi tổng doanh thu gần 3,096 tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ 0.5% so với năm 2023. Một doanh nghiệp khác cùng họ Vicem là Vicem Hoàng Mai cũng đặt kế hoạch dự kiến lỗ gần 104 tỉ đồng; Vicem Bút Sơn cũng có kế hoạch lỗ 111 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp khác là Vicem Hà Tiên và Xi măng Sài Sơn có vẻ lạc quan hơn khi đặt mục tiêu lãi sau thuế lần lượt hơn 23 tỷ đồng, tăng 31% và hơn 11 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2023. Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đặt kế hoạch lãi sau thuế đi lùi 57%, đạt 34 tỷ đồng.

Trước đó, trong danh sách các doanh nghiệp sản xuất xi măng có lợi nhuận sau thuế năm 2023 âm, mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) mà Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa ra hồi tháng 4, có nhiều cái tên đáng chú ý như: CTCP Xi măng Bỉm Sơn, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn, CTCP Thương mại, dịch vụ, vận tải xi măng Hải Phòng, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai...

Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng và clinker năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

Hai năm gần nhất, xuất khẩu xi măng chỉ quanh ngưỡng 30-31 triệu tấn, giảm 15 triệu tấn so với năm cao điểm 2021 (xuất khẩu gần 46 triệu tấn), giá xuất khẩu cũng giảm sâu.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long…

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.

VNCA cho rằng thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clinker không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, nên các doanh nghiệp xi măng không xuất được hàng, phải dừng sản xuất. Số liệu của VNCA cho thấy, năm 2023, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất nửa năm, có nhà máy dừng cả 12 tháng.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn