Loạt dự án “bất động” nhiều năm có dấu hiệu tái khởi động?

UBND tỉnh Đồng Nai vừa chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 cho Phân khu C4, thuộc một phần khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Điều này giúp tháo gỡ pháp lý cho nhiều dự án của các doanh nghiệp (DN) bất động sản đang thực hiện tại địa bàn.

Dự án Aqua City với quy mô khoảng 1.000 ha do CTCP Đầu tư địa ốc No va (Novaland, mã cổ phiếu NVL) làm chủ đầu tư.

Nổi bật là dự án Aqua City với quy mô khoảng 1.000 ha do CTCP Đầu tư địa ốc No va (Novaland, mã cổ phiếu NVL) làm chủ đầu tư.

Đây là một trong các dự án mang tính 'sống còn' đối với Novaland. Dự án đã được triển khai nhưng bị tạm ngưng từ năm 2021 vì vướng phê duyệt các điều chỉnh quy hoạch và chưa thống nhất về quỹ đất nhà ở xã hội.

Tháng 11/2022, hơn 750 căn biệt thự tại dự án này cũng bị hủy công nhận đủ điều kiện mở bán dù nhà đã hoàn thiện. Trong 2 năm qua, Novaland đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City.

Trên thị trường, sau thông tin 'sáng' về Aqua City, cổ phiếu NVL lập tức hút dòng tiền và tăng sát mốc trần hôm 20/11 với 4,65%, thanh khoản hơn 20 triệu cổ phiếu.

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đang “rục rịch” tái khởi động dự án trọng điểm Gem Riverside. Gem Riverside là tên thương mại của dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng CC1 và CC5 thuộc Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, Tp.Thủ Đức do Đất Xanh làm chủ đầu tư.

Đây là dự án trọng điểm mà Đất Xanh triển khai từ 6 năm nay. Thời điểm đó, Đất Xanh đã mở bán khoảng 1.000 sản phẩm, giá bán trung bình 37 - 40 triệu đồng/m2, nhưng sau đó đã tiến hành thu hồi khi dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu mật độ dân số và mật độ xây dựng lên 12 tháp, 3.175 căn hộ (quy hoạch ban đầu là 8 tháp, 2.100 căn hộ).

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đang “rục rịch” tái khởi động dự án trọng điểm Gem Riverside.

Giá bán mới của dự án chưa được công bố. Về tiến độ, DXH Riverside được kỳ vọng sẽ bắt đầu xây dựng từ quý I/2025, sau khi hoàn thành đàm phán với khách hàng cũ và đủ điều kiện mở bán trong quý II/2025, đem lại nguồn tiền cho doanh nghiệp trong 3 năm tới, với tổng doanh thu ước đạt 28.131 tỷ đồng, lợi nhuận ròng từ dự án ước khoảng 12.029 tỷ đồng.

Một DN khác cũng được “hồi sinh” nhờ dự án lớn được thông pháp lý là CTCP Đầu tư An Khải Hưng. Tháng 4/2024, UBND Thành phố Thủ Đức đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở phường Trường Thạnh do An Khải Hưng làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 1.426 tỷ đồng.

Trước đó, An Khải Hưng gây chú ý với thị trường khi phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 11/2021. Công ty được thành lập vào tháng 4/2017 tại Tp.HCM nhưng không có doanh thu, thua lỗ nhiều năm liên tục. Mục đích phát hành nhằm thanh toán tiền cọc mua đất tại Trường Thạnh, Thành phố Thủ Đức.

Dự án “đứng hình”, An Khải Hưng đã phải nhiều lần thông báo gia hạn thời gian thanh toán gốc, lãi đối với lô trái phiếu này. Mới đây, tín hiệu “hồi sinh” đã đến vào tháng 9/2023 khi Công ty thông báo thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi.

Cuối tháng 10/2023, Công ty này tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 654 tỷ đồng, bao gồm gần 300 tỷ đồng là tiền (45%) và 55% vốn còn lại được góp bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Ở phía Tây Tp.HCM, một dự án ngưng trệ nhiều năm nay vừa được tái khởi công là Khu công viên trung tâm công cộng và dân cư 13A, do CTCP bất động sản Đông Dương - thành viên Tập đoàn Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC), bắt tay với Công ty địa ốc Hồng Quang thực hiện.

Khu dân cư 13A (tên thương mại là khu dân cư Hồng Quang) có quy mô 37 ha, nằm tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, được triển khai từ năm 2000 với quy mô gần 2.000 căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền và biệt thự.

Từ năm 2006 đến nay, dự án này chỉ mới bàn giao đất cho các công trình nhà ở thấp tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ dân sinh chưa hoàn thiện. Một số khu vực đường xá có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ quên và rất ít dân cư về sinh sống.

Phía DN nhấn mạnh dự án này có ý nghĩa quan trọng đánh dấu việc Tập đoàn quay lại thị trường bất động sản Tp.HCM. Giai đoạn đầu sau tái khởi động, Đông Dương sẽ đầu tư 1.750 tỷ đồng triển khai phân khu cao tầng trên khu đất hơn 26.500 m2, gồm 5 block căn hộ thương mại, quy mô khoảng 600 sản phẩm. Dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, đang chuẩn bị thủ tục để khởi công xây dựng đầu năm 2025.

Hay trên khu vực quận 8 là khu căn hộ cao tầng NBB Garden III, sau 16 năm, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy theo đuổi cũng chính thức được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

NBB Garden III được quy hoạch trên khu đất có diện tích 81.550 m2; trong đó diện tích đất xây dựng là 19.087 m2, diện tích đất cây xanh, giao thông là 52.036 m2, diện tích đất công trình công cộng là 10.426 m2. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.706 tỷ đồng.

Được biết, Năm Bảy Bảy bắt đầu lập chủ trương đầu tư dự án này từ tháng 12/2007. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội… nên không đáp ứng cơ sở pháp lý để được chấp thuận chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp cho biết, để có được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án NBB Garden III đã có không dưới 200 con dấu từ cơ quan chính quyền.

Phối cảnh dự án khu dân cư 13A.

Ngoài 2 dự án trên, thị trường phía Nam thời gian qua cũng ghi nhận một số dự án bắt đầu tái khởi động như D-Homme (quận 6), D-Aqua (quận 8) và Lavida Plus (quận 7) ở TP.HCM; dự án Astral City (TP. Thuận An, Bình Dương); hay khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An)...

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc tái khởi động các dự án bị đình trệ ở quãng thời gian trước đã, đang và sẽ được tiếp tục thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ lẫn khối doanh nghiệp tư nhân thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A). Theo quy định mới, nếu các chủ đầu tư để dự án “bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút với nỗ lực tái khởi động dự án.

Kế hoạch triển khai các dự án bất động sản bị bỏ hoang trước đây cũng được thúc đẩy khi cơn khát về nhà ở không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa. Đặc biệt, nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư mới, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động M&A, kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh nhiều dự án.

“Việc khôi phục các dự án bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, để có thể tái khởi động thành công dự án không phải là điều đơn giản. Ngay cả khi những vướng mắc về pháp lý đã được gỡ, thì áp lực về tài chính cũng gây nhiều khó khăn với các doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án lên kế hoạch hồi sinh, nhưng không thành công”, VARS nhấn mạnh.

Do vậy, VARS lưu ý, trong quá trình tái khởi động dự án bị đắp chiếu, các doanh nghiệp cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ. Trong nhiều tình huống, phải chấp nhận lãi ít, hòa vốn để đảm bảo xử lý dứt điểm các tồn đọng.

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn