Loạt ngân hàng có cổ đông tổ chức sở hữu trên 10% vốn
Sáng 18/1, với tỷ lệ trên 91%, Quốc hội đã tán thành thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý nằm ở quy định giới hạn cho cổ đông tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Quy định này không áp dụng cho các trường hợp: sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của luật này; sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/7/2024 (thời điểm Luật này có hiệu lực), cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng. "Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm. Đồng thời, cơ quan này cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.
Các chuyên gia kỳ vọng sự ra đời của Luật sẽ giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Các điểm mới của Luật có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.
Về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin, trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
Dù vậy, ở một ví dụ điển hình là Ngân hàng SCB dù sở hữu cá nhân không quá 5%, nhưng “người này, người ta mượn danh người kia đứng tên" (dẫn lời ông Thanh). Do đó, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng việc chỉ quy định trong luật là không đủ mà phải trong cả công tác tổ chức triển khai thực hiện, giám sát. Hiện nay đã có các đề án về công nghệ thông tin để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động này.
Cổ đông lớn tại các nhà băng
Thống kê của Nhadautu.vn dựa trên Báo cáo thường niên năm 2022 và Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng, có 7 nhà băng ghi nhận cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn điều lệ. Còn nếu xét ở góc độ người có liên quan, 2 ngân hàng với tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ và người liên quan vượt mức 15%.
Cái tên đầu tiên kể đến là Ngân hàng TMCP An Bình (UPCOM - ABBank) với Tập đoàn Geleximco – CTCP nắm 12,78% vốn. Bên cạnh đó, nhà băng này còn có 2 cổ đông ngoại là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) - 16,39% và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - 8,2%.
Nếu tính thêm ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Geleximco (ông nắm 0,366% vốn ABB) và người nhà gồm vợ ông là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (0,143), em ruột là ông Vũ Văn Hậu (1,958%), em rể Đào Mạnh Khánh (0,801%) và CTCP Chứng khoán An Bình (0,57%), tổng tỷ lệ nhóm này lên đến 16,618%, vượt qua mức giới hạn 15% của cổ đông và các bên liên quan.
2 nhà băng khác cũng ghi nhận có cổ đông lớn nắm trên 10% vốn là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – HoSE: HDB) với CTCP Sovico nắm 14,356% và Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB) với Tập đoàn Công nghệ Viễn Thông Quân Đội sở hữu 14,1%.
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (UPCOM: PGB) ghi nhận nhiều cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn nhất, đó là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%), CTCP Quốc tế Cường Phát (13,541%), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (13,359%). Đây đều là các pháp nhân tham gia mua đấu giá cổ phiếu PGBank của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Như Nhadautu.vn từng đề cập, các pháp nhân này đều có nhiều liên hệ đến một tập đoàn lớn trong lĩnh vực ô tô, bất động sản, chứng khoán.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (UPCOM: SGB) với 3 cổ đông nắm trên 10% vốn là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) - 14,081%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa - 16,352% và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (Nhà Phú Nhuận) - 16,640%. Trong đó, Saigon Petro và Nhà Phú Nhuận là 2 cổ đông với 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước.
Ngoài ra, danh sách còn có Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB) cũng nằm trong danh sách với cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn là CTCP Tập đoàn Masan (nắm 14,9%); Ngân hàng TMCP Việt Á (UPCOM: VAB) là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương - 12,21%.
Thống kê cũng chỉ ra dù cổ đông lớn Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) - CTCP Tập đoàn T&T (bên liên quan đến Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển) nắm 9,9% vốn và chưa vượt mức 10% theo quy định mới, song nếu tính cả ông Hiển (2,75%), cùng người nhà gồm ông Đỗ Quang Vinh 0,026%, Đỗ Vinh Quang 2,963%, Đỗ Thị Thu Hà 2,057%, Đỗ Thị Minh Nguyệt 0,711% và CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội 1,48%, thì tỷ lệ cả nhóm này lên đến 19,887%. Đây cũng là mức tỷ lệ các bên liên quan nắm giữ cao nhất trong các nhà băng mà Nhadautu.vn thực hiện khảo sát.
Tương tự, còn có Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (HoSE: SSB) với tổng tỷ lệ sở hữu của các pháp nhân/thể nhân liên quan đến bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực là 16,536%, gồm: Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ (5,065%), bà Nguyễn Thị Nga (3,535%), Lê Hữu Bảo (3,386%), Lê Tuấn Anh (2,195%), Lê Thu Thủy (2,355%).
Thống kê cũng cho thấy một nhà băng khác ghi nhận tỷ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông “gia đình” vượt mức 10% là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE - TPB) với cổ đông lớn CTCP Vàng bạc Đá quý Doji (5,93%), bà Đỗ Vũ Phương Anh – Chủ tịch HĐQT Doji tính đến tháng 10/2023 (con gái ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TPBank) nắm 1,11% vốn, cùng với người nhà là ông Đỗ Minh Minh Đức 1,11%, Bùi Quang Tuyển 0,002%, ông Đỗ Anh Tú 3,71% và Trung Thị Lâm Ngọc 0,09%.
Đáng chú ý, báo cáo nhiều ngân hàng cho biết không có cổ đông lớn như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc Dân, hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.
Xem thêm tại nhadautu.vn