Loạt tân binh đổ bộ sàn chứng khoán năm 2025

Lọc hóa dầu Bình Sơn ‘chuyển nhà” sang HoSE

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (MCK: BSR) chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vào ngày 17/1/2025.

Theo đó, ơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ chính thức giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu 21.300 đồng/cổ phiếu, với biên độ dao động trong ngày chào sàn là +/-20%.

Loạt tân binh đổ bộ sàn chứng khoán năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cổ phiếu BSR giao dịch trên hệ thống UPCoM từ ngày 1/3/2018. Đến giữa tháng 12/2024, HOSE đã có văn bản chính thức chấp thuận cho đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu BSR sau thời gian dài doanh nghiệp nỗ lực niêm yết bất thành.

Ngày 6/1/2025 là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu BSR trên UPCoM. Đóng cửa phiên giao dịch này, cổ phiếu BSR đã giảm 1,8% xuống mức 21.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường gần 67.901 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, được thành lập vào ngày 09/5/2008 theo Quyết định số 1018/QĐ-DKVN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Doanh nghiệp được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trụ sở chính của doanh nghiệp được đặt tại số 208 Đại lộ Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ngành ghề sản xuất kinh doanh chính của công ty là sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Tại bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE ngày 27/11/2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang có vốn điều lệ gần 31.005 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/10/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nắm giữ gần 2,86 tỷ cổ phiếu BSR, tương đương sở hữu 92,13% vốn điều lệ của Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Cổ phiếu “họ” Masan chuyển sàn

Một gương mặt triển vọng khác đang nhận được sự đón chờ của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MCK: MCH, sàn UPCoM) - công ty thuộc hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MCK: MSN, sàn HoSE).

Trước đó, ngày 2/10/2024, HĐQT Masan Consumer đã chính thức thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ hệ thống giao dịch chứng khoán UPCoM sang niêm yết tại HoSE. Thời điểm niêm yết dự kiến trong năm 2025.

Loạt tân binh đổ bộ sàn chứng khoán năm 2025- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thị giá MCH đầu năm 2025 cũng liên tục tăng cao, vượt lên hơn 231.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của Masan Consumer đạt hơn 168.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của HSBC, việc chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE có thể giúp cổ phiếu MCH cải thiện tính thanh khoản, phù hợp năng lực mà công ty đạt được. Chỉ tính trong giai đoạn 2017 – 2023, Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần so với thị trường chung.

Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan được thành lập ngày 31/5/2000, hoạt động chính của công ty là mua bán thực phẩm, mua bán đồ uống không cồn và nước khoáng, mua bán sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân.

Cổ phiếu MCH của Masan Consumer được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2017 với giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện doanh nghiệp đang có vốn điều lệ ở mức hơn 7.355,5 tỷ đồng, tương tương hơn 724,6 triệu cổ phiếu MCH đang lưu hành trên thị trường.

Vinpearl chuẩn bị “tái niêm yết”

Ngày 15/11/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo xác nhận hoàn tất việc đăng ký trở thành công ty đại chúng của Công ty Cổ phần Vinpearl. Đây được coi là bước tiến mới trong lộ trình tái niêm yết cổ phiếu Vinpearl trên sàn chứng khoán.

Công ty Cổ phần Vinpearl được thành lập từ năm 2006, trụ sở chính đặt tại Đải Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn ngày bao gồm hoạt động kinh doanh khách sạn và dịch vụ khách sạn, cung cấp và kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch lữ hành nội địa,...

Loạt tân binh đổ bộ sàn chứng khoán năm 2025- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tính đến ngày 30/9/2024, Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (MCK: VIC, sàn HoSE) đang nắm giữ 85,55% cổ phần của Vinpearl, tương đương góp vốn gần 17.126,9 tỷ đồng.

Trước đây, Vinpearl đã từng được tỷ phú Phạm Nhật Vượng niêm yết 205,5 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã VPL. Tuy nhiên, vào năm 2011 cổ phiếu VPL đã bị hủy niêm yết do Vinpearl sáp nhập vào công ty Vincom tạo thành Tập đoàn Vingroup với mã chứng khoán VIC như ngày này.

Trước ngày quay trở lại sàn chứng khoán, Hội đồng quản trị Vinpearl đã quyết định thông qua hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Theo kế hoạch, Vinpearl muốn chào bán thêm gần 70,09 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu thông qua phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ thực hiện 1000:40,763, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền mua, cổ đông sở hữu 1.000 quyền mua sẽ được mua 40,673 cổ phiếu mới phát hành thêm.

Giá chào bán cổ phiếu 71.350 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị dự kiến chào bán gần 5.000,8 tỷ đồng.

Thời gian nhận chuyển nhượng quyền mua từ 17/1/2025 đến ngày 23/1/2025, thời gian đăng kỳ mua từ 17/1/2025 đến hết ngày 5/2/2025.

Nếu đợt phát hành thành công, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Vinpearl sẽ tăng từ hơn 1,723 tỷ cổ phiếu lên hơn 1,793 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ của công ty được tăng từ hơn 17.232 tỷ đồng lên hơn 17.933 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn rục rịch IPO

Sau một thời gian dài trầm lắng các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để lên sàn chứng khoán, năm 2025 là năm hứa hẹn nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thực hiện.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG, sàn HoSE) cũng đã thông qua chủ trương về việc phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết hai công ty con là Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen và Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen trên thị trường chứng khoán. Thực tế, kế hoạch IPO công ty con của Hoa Sen đã được xây dựng trong nhiều năm qua và hiện chuẩn bị những bước còn lại để lên sàn.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAG, sàn HoSE), Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức đã tiết lộ về kế hoạch IPO và niêm yết trên HoSE đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai. Đây là công ty con của HAGL, đã thực hiện tái cơ cấu và xử lý được khoản nợ lớn. Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết Hoàng Anh Gia Lai đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank (LPBS)để thực hiện thương vụ này.

Bên cạnh những cái tên kể trên, 2 "ông lớn" bán lẻ là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG, sàn HoSE) và Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, MCK: FRT, sàn HoSE) cũng không giấu tham vọng sẽ IPO “con cưng” của mình là Bách Hoá Xanh và Long Châu trong tương lai.

Khánh Hân

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn