Triển vọng nguồn thu gia tăng
Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, tăng 12% so với mức thực hiện năm 2023, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%, trong đó khoảng 62% sẽ được phân bổ cho các công trình hạ tầng giao thông.
Đối với các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, nhóm này có 2 dạng nguồn thu, thứ nhất đến từ thi công các công trình hạ tầng nhận của chủ đầu tư, thứ hai đến từ doanh thu phí BOT khi vận hành các công trình hạ tầng.
Với nhóm doanh nghiệp thi công hạ tầng, nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp, có biên lợi nhuận mỏng hơn, doanh thu, lợi nhuận được ghi nhận khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, còn các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án BOT, nguồn thu phần lớn từ thu phí BOT.
Các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án BOT có đặc điểm là sử dụng đòn bẩy nhiều hơn, nhưng các khoản vay thường được đảm bảo bằng dòng tiền từ dự án và cơ chế về tín dụng có phần ưu đãi hơn, nhất là lãi suất. Bên cạnh đó, cơ chế điều chỉnh phí qua trạm BOT định kỳ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt với sự thay đổi về mặt chi phí vận hành dự án.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi cho rằng, khối lượng công việc lớn đến từ việc đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng, đặc biệt là kế hoạch hoàn thiện hệ thống đường cao tốc sẽ tạo động lực tăng trưởng chung cho các doanh nghiệp hạ tầng. Hơn nữa, ngành xây dựng phát triển song song với sự phát triển của nền kinh tế, nên triển vọng của ngành này mang tính dài hạn.
Chuyển động tại các doanh nghiệp cho thấy, nhiều đơn vị xây lắp gần đây ghi nhận kết quả kinh doanh hồi phục. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2023 - 2024 (tức quý I/2024), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán CTD) đạt doanh thu 4.665 tỷ đồng, tăng 49%; lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, tăng 376% so với cùng kỳ niên độ trước và là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong gần 4 năm qua.
Coteccons đã thông qua việc thay đổi kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2023 - 2024 khi nâng mục tiêu doanh thu lên 20.000 - 20.500 tỷ đồng, cao hơn 12 - 15% so với mục tiêu trước đó; mục tiêu lợi nhuận sau thuế được nhà thầu xây dựng này nâng lên 5 - 8%, ở mức 288 - 296 tỷ đồng. Kế hoạch mới được Ban lãnh đạo Coteccons nhìn nhận là khả thi và có thể hoàn thành ở cuối niên độ kế toán (31/6/2024).
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cienco 4 (mã chứng khoán C4G) cho biết, nhóm doanh nghiệp hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công có nhiều cơ hội tăng tốc trong thời gian tới, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và các dự án hạ tầng sẽ được triển khai nhiều hơn. Đây là cơ sở để nhiều doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024. Với Cienco 4, Công ty đạt mục tiêu đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng, tăng 65% và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, tăng 92% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Tại Công ty cổ phần Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán PHC), Tổng giám đốc Trần Hồng Phúc cho hay, trong năm 2024, xây lắp vẫn là mảng hoạt động cốt lõi và được Công ty dành nhiều nguồn lực triển khai để hướng tới việc đạt kế hoạch doanh thu 2.500 tỷ đồng cho riêng mảng này. Doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tiếp thị, đấu thầu, quảng bá thương hiệu tới các chủ đầu tư lớn, cũng như các dự án đầu tư công và dự án có vốn nước ngoài. Về mảng bất động sản, Phục Hưng Holdings sẽ thúc đẩy việc triển khai các dự án bị chậm tiến độ trong năm 2023 như Khu dân cư An Phú Thái Bình, Khu đô thị Bắc Nghi Kim - Nghệ An…, với doanh thu mục tiêu khoảng 100 tỷ đồng. Do đặc thù ngành xây lắp nên kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm thường không cao, mà sẽ tập trung ở giai đoạn nửa cuối năm.
Lọc các cổ phiếu có lợi thế
Nhóm doanh nghiệp hạ tầng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng cao trong năm 2024.
Các doanh nghiệp hạ tầng trên thị trường chứng khoán có một số lợi thế cạnh tranh khác nhau. Thông thường, khi lựa chọn một nhà thầu hay chủ đầu tư cho dự án hạ tầng, các doanh nghiệp có năng lực thi công lớn kèm với hồ sơ năng lực dày dặn sẽ có ưu thế hơn trong đấu thầu.
Coteccons có thêm lợi thế trong ngành khi là một trong số ít nhà thầu áp dụng tiêu chuẩn ESG vào hoạt động xây dựng, trong bối cảnh các chủ đầu tư là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài quan tâm tới phát triển bền vững. Công ty có nhiều hợp đồng với đối tác nước ngoài như Lego tại Bình Dương, Suntory Pepsico tại Long An, mới đây là nhà máy của Pandora tại Bình Dương.
Ngoài ra, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Kafi, đối với một số công trình đặc biệt như hầm đường bộ, rất ít doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm thi công. Do đó, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và năng lực thi công có lợi thế lớn so với các doanh nghiệp khác. Tiêu biểu trong nhóm các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng lớn trên thị trường có thể kể đến Vinaconex (mã chứng khoán VCG), Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV), Cienco4.
Vinaconex là doanh nghiệp có doanh thu thuộc tốp đầu trong nhóm xây lắp hạ tầng, có năng lực đảm nhiệm các gói thầu thi công với giá trị lớn và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi sẽ giúp doanh nghiệp có được một phần nguồn thu từ mảng kinh doanh bất động sản. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Vinaconex là đạt 950 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2023.
Với Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, Công ty đang có khối lượng thi công theo hợp đồng trong năm 2024 và 2025 tương đối lớn (riêng 5 dự án trọng điểm đang triển khai có tổng giá trị theo hợp đồng đạt 3.600 tỷ đồng), có lợi thế trong thi công các công trình hầm đường bộ khi đang quản lý và vận hành khai thác hầu hết các hầm đường bộ trong hệ thống giao thông Việt Nam. Mục tiêu của Công ty năm 2024 là doanh thu tăng 17%, lên 3.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 11%, lên 404 tỷ đồng.
Trong khi đó, Cienco4 trúng thầu nhiều công trình giao thông trọng điểm trong giai đoạn trước đây và 2024 - 2025 được kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án đang triển khai. Trong đó, năm 2024 mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhờ các dự án đầu tư công được đẩy mạnh.