Lọc cơ hội từ ‘game’ thoái vốn nhà nước

Nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh khi Nhà nước có kế hoạch thoái vốn trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, "game" thoái vốn đã đẩy cả thị giá và thanh khoản của nhiều cổ phiếu tăng mạnh.

Động lực tăng giá

Điển hình, cổ phiếu NTP của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đang có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng với việc tăng 9/10 phiên giao dịch gần nhất, trong đó có 2/3 phiên tăng trần liên tiếp. Tính từ đầu tháng 5 tới nay, cổ phiếu NTP đã tăng khoảng 36%. Còn nếu xét từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá NTP đã tăng thần tốc gần 60%, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp hiện xấp xỉ 7.700 tỷ đồng.

Sau khi lọt vào danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ phiếu NTP đã ngay lập tức tăng dựng đứng trên sàn chứng khoán.

Tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, SCIC đang nắm giữ 37,1% vốn điều lệ, tương đương hơn 48 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp hiện có nhiều cổ đông lớn khác là các tổ chức trong nước, nước ngoài cũng như một số cá nhân.

-6692-1716454931.png

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhờ "game" thoái vốn nhà nước.

Tương tự, “cỗ máy tăng trưởng” FPT của CTCP FPT cũng nằm trong danh sách bán vốn đợt này cùng với Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Số vốn mà SCIC đang nắm giữ tại FPT cũng rất đáng chú ý, lên tới 635 tỷ đồng, tương đương 5,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Đây là thương vụ có giá trị dự kiến lớn nhất trong danh sách thoái vốn của SCIC đợt 2 năm 2024. Nếu thực hiện thành công, SCIC sẽ không còn là cổ đông của FPT.

Không ngoại lệ, cổ phiếu FPT cũng gây chú ý với thị trường bằng chuỗi tăng giá đáng nể. Nếu tính từ đầu năm đến nay, dù mới trải qua chưa đầy 5 tháng nhưng cổ phiếu này đã có tới 23 lần đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử. Thậm chí, bất chấp VN-Index có nhiều rung lắc mạnh, cổ phiếu FPT vẫn "lầm lũi" đi lên lập đỉnh mới.

Nhờ đó, thị giá FPT đã tăng tới 41,5% từ đầu năm đến nay, kéo vốn hóa thị trường lên cao kỷ lục 172.700 tỷ đồng (7 tỷ USD). Con số này giúp FPT giữ vững vị trí số 1 Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ. Trên thị trường chứng khoán, giá trị của FPT xếp thứ 8 trong danh sách các công ty niêm yết và xếp thứ 10 toàn sàn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 426 phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã: BCM) đến năm 2025.

Theo quyết định, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Becamex IDC giảm từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025, tức sẽ thoái hơn 30% cổ phần tại "ông lớn" khu công nghiệp này.

Rất nhanh chóng, cổ phiếu BCM cũng tạo “sóng” trên thị trường. Đây cũng là cổ phiếu đứng đầu danh sách những mã tác động tích cực nhất đến VN-Index, giúp chỉ số tiến về sát mốc 1.280 điểm trong phiên 20/5.

Cũng trong phiên này, thanh khoản của BCM bùng nổ khi có hơn 2,04 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, gấp 5 lần phiên trước đó và là mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây.

Vẫn cần thận trọng lựa chọn

Thông thường, khi xuất hiện các thông tin liên quan đến thoái vốn nhà nước thì đi kèm cũng sẽ là các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thoái vốn nhà nước được cho là một trong những lý do khiến những cổ phiếu của các doanh nghiệp trong “câu chuyện” bật tăng mạnh mẽ, bởi câu chuyện bán vốn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

Nhìn lại những câu chuyện thoái vốn giai đoạn trước, khi có thông tin thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM), Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB)..., cổ phiếu của những doanh nghiệp này đã tăng nóng 50-60%. Tuy nhiên, hậu thoái vốn, cổ phiếu của một số doanh nghiệp lại có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh.

Đơn cử, sau khi Bộ Công Thương thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thành công với tỷ lệ 53,59% vốn điều lệ vào tháng 12/2017, giá cổ phiếu SAB đã trượt dài từ vùng 310.000 đồng/cp. Hiện tại, giá cổ phiếu này đang dừng ở mức 59.500 đồng/cp.

Trường hợp tương tự diễn ra tại Nhựa Bình Minh (BMP) vào tháng 3/2018, khi SCIC thoái 29,51% vốn điều lệ. Sau giai đoạn thoái vốn, cổ phiếu BMP trải qua một giai đoạn dài giảm giá từ vùng 71.000 đồng/cp về đáy tháng 3/2020 là 31.000 đồng/cp, tức giảm hơn 56%.

Tại DIC Corp (DIG), tháng 11/2017, Bộ Xây dựng thoái 118,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 49,65% vốn điều lệ. Sau đó, cổ phiếu có nhịp tăng ngắn hạn lên 22.600 đồng/cp và bắt đầu giảm mạnh về đáy tháng 7/2018 là 12.000 đồng/cp, tức giảm gần 47%.

Điều tương tự cũng diễn ra tại nhiều cổ phiếu thoái vốn nhà nước khác trên sàn.

Có thể thấy, đặc thù nhóm cổ phiếu thoái vốn là khi có thông tin sẽ có dấu hiệu tăng điểm, nhưng sau khi thoái thường giảm mạnh và cần thời gian tích luỹ tạo đáy trước khi bước vào chu kỳ tăng mới nhờ vào hoạt động kinh doanh được cải thiện.

Nếu như lịch sử lặp lại, các cổ phiếu vừa thoái vốn thành công, cũng như hậu thâu tóm rất khó tiếp tục giữ được đà tăng trưởng về giá trong thời gian tới, mà nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn tích luỹ, điều chỉnh và chờ xuất hiện một kỳ vọng mới.

Về vấn đề này, giới phân tích đã đưa ra lưu ý, nhà đầu tư cần thận trọng khi giải ngân vào các cổ phiếu có "game" thoái vốn nhà nước, vì sau thoái vốn, giá cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là đầu cơ với những kỳ vọng ngắn hạn từ thông tin thoái vốn. Khi thông tin thoái vốn không còn nóng, dòng tiền không còn đổ mạnh vào những cổ phiếu này sẽ làm giá cổ phiếu khó duy trì mức giá cao.

Do đó, nhà đầu tư nên tập trung nhiều hơn vào câu chuyện giá trị, vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì yếu tố này sẽ quyết định giá trị doanh nghiệp. Giá cổ phiếu sẽ tăng khi doanh nghiệp phát triển tốt.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn