Lộc Trời cùng bà con chia sẻ mô hình phát triển bền vững

Phát triển lợi thế kinh tế theo quy mô

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 8,3 triệu tấn gạo, mang về 4,78 tỷ USD (kỷ lục trong hơn 30 năm) và trong 5 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt 4,2 triệu tấn, tương ứng 2,65 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ và tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu.

Mặc dù khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo liên tục tăng trong những năm qua nhưng so với một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác, sự phát triển của ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn được cho là chưa bền vững, khâu tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường; các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu… dẫn tới giá bán chưa được cao.

Để giải quyết vấn đề cố hữu của ngành lúa gạo trong nước, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG - sàn UPCoM) đang hết sức nỗ lực để xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao thông qua việc mở rộng liên kết sản xuất với bà con nông dân ĐBSCL. Đặc biệt, khi Đề án “1 triệu hecta lúa chất lượng cao” được Chính phủ thông qua, Lộc Trời đã tích cực tham gia vào đề án.

“Trong hành trình “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời luôn chú trọng hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan, trong đó có nông dân, đối tác và nhà đầu tư thông qua chủ động minh bạch thông tin từ xây dựng chuỗi giá trị ngành lúa gạo bài bản, kết hợp chuyển đổi số toàn diện nhằm đảm bảo sự tin cậy làm nền tảng “đồng tâm - hiệp lực” cho sự hợp tác lâu dài”, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Lộc Trời nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Lộc Trời chia sẻ về Chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn.

Thêm nữa, Lộc Trời luôn lấy bà con nông dân là trọng tâm của chiến lược phát triển, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi mô hình canh tác manh mún nhỏ lẻ sang mô hình canh tác quy mô lớn, áp dụng các giải phóng trồng lúa công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, xây dựng được các thương hiệu gạo có tiếng và giúp bà con nông dân ngày một cải thiện cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương.

Để cụ thể hoá tham vọng, từ cuối năm 2023 đến nay, Lộc Trời đã ký kết với các tỉnh khu vực ĐBSCL để triển khai liên kết sản xuất trên 300.000 ha cho đến 2030. Với diện tích này, sản lượng lúa có thể lên tới 6 triệu tấn, tương đương 3,5 triệu tấn gạo có thể cung cấp cho thị trường, giúp Lộc Trời chiếm lĩnh thị trường trong nước, cung ứng xuất khẩu và trực tiếp đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn từ các đối tác uy tín, gắn bó lâu dài, giữ vững vị thế “kho gạo thế giới”.

Lộc Trời 28 được vinh danh gạo ngon nhất Việt Nam 2022 trong Festival lúa gạo lần V tại Vĩnh Long.

Cùng với việc tổ chức liên kết sản xuất trên quy mô lớn, ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ thêm đối với người trồng lúa, Lộc Trời triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, theo đó, Lộc Trời đầu tư thuốc - phân - giống không tính lãi, hỗ trợ dịch vụ cơ giới, tư vấn canh tác phòng trị sâu bệnh hại và quan trọng nhất là cam kết bao tiêu cho bà con nông dân trong vùng liên kết với giá cao hơn thị trường từ 100 - 500 đồng/kg lúa tươi. Tập đoàn không chỉ giúp các nông hộ yên tâm nhờ thông tin minh bạch trong các hợp đồng, luôn có người đồng hành hỗ trợ mà còn loại bỏ được nỗi lo "được mùa mất giá", giúp bà con nông dân an tâm canh tác, đạt được hiệu quả mùa vụ cao hơn.

Minh chứng cho mô hình phát triển bền vững nhờ sở hữu lợi thế sản xuất theo quy mô, từ tháng 8/2023 đến tháng 5/2025, Lộc Trời đã thắng thầu trên 370.000 tấn gạo (là doanh nghiệp trúng thầu hàng đầu tại Việt Nam) với giá cạnh tranh. Ngoài ra, các ngân hàng hàng đầu trong nước và nước ngoài (Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng Malayan Banking Berhad, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Ngân hàng Maybank, TPBank, HDBank …) đều đang cam kết hỗ trợ vốn dài hạn để Lộc Trời thu mua lúa cho bà con nông dân với năng lực sản xuất sẵn có từ 10 nhà máy chế biến lúa gạo, công suất sấy 10 nghìn tấn/ngày.

Và trong tương lai, Lộc Trời cho biết sẽ lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng dự án nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An, mục tiêu đến năm 2028 sẽ nâng tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày, đảm bảo bao tiêu toàn bộ lượng lúa mà bà con trong vùng liên kết sản xuất để ổn định đầu ra giúp nhà con yên tâm canh tác.

Thêm lợi ích cho người nông dân nhờ chuẩn hoá quy trình sản xuất

Bên cạnh việc tập trung vào việc hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, công nghệ chăm sóc, Lộc Trời còn xây dựng được quy trình tạo ra tín chỉ carbon tiêu chuẩn trong quá trình canh tác lúa trên cơ sở giảm sử dụng nước, tăng số lần mặt ruộng khô trong suốt vụ, giảm phân đạm, xử lý rơm rạ đúng cách.

Hiện tại, Lộc Trời đang sở hữu đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp (đội ngũ “3 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm), được đào tạo bài bản về kỹ thuật nông nghiệp và bảo vệ thực vật, có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn đồng ruộng, có mối liên kết chặt chẽ với nông dân vùng nguyên liệu, sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn tiên tiến trong canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Lộc Trời đã thông qua nghị quyết về chia sẻ lợi nhuận cho nông dân khi gia nhập vào thị trường tín chỉ carbon. Cụ thể, Công ty cam kết toàn bộ nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon, sau khi trừ chi phí đầu tư và chi phí chứng nhận, sẽ thuộc về bà con nông dân. Ngoài ra, Lộc Trời cũng cam kết đóng góp cho nhà nước 30% tín chỉ và chỉ bán 70% số tín chỉ do mình tạo ra.

“Nông dân liên kết sản xuất lúa với Lộc Trời đều đạt lợi nhuận cao nhờ vào quy trình canh tác  khoa học, các bộ giải pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng toàn diện, nguồn giống chất lượng cao và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng... Vì vậy, nông dân liên kết sản xuất cùng Lộc Trời luôn có lợi nhuận từ 30 - 50% mỗi vụ”, Chủ tịch Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.

Được biết, ngành nông nghiệp có khả năng tạo ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, với con số này, doanh thu thu về từ tín chỉ carbon dự kiến đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Trong đó, riêng trong năm 2023, ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD.

Vì vậy, thị trường tín chỉ carbon được đánh giá rất tiềm năng và là xu hướng tất yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nắm bắt được xu hướng đó, hiện tại, Lộc Trời đã đủ khả năng tạo ra tín chỉ carbon trên cây lúa. Công ty cũng tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các mô hình canh tác lúa bền vững, bám vào mục tiêu giảm phát thải.

Và đặc biệt, khi thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam chính thức khởi động và gia nhập với thế giới, năng lực cạnh tranh của Lộc Trời sẽ tăng mạnh nhờ sở hữu mô hình phát triển bền vững, khả năng tạo ra tín chỉ carbon sẽ là điểm cộng khi các đối tác muốn hợp tác.

Xem thêm tại baodautu.vn