Lộc Trời - Vinaseed: Người mất lái - kẻ tăng ga và hai số phận trên một cánh đồng

Lộc Trời - Vinaseed: Người mất lái - kẻ tăng ga và hai số phận trên một cánh đồng
Chủ tịch Lộc Trời (LTG) Huỳnh Văn Thòn và Chủ tịch Vinaseed (NSC) Nguyễn Thị Trà My

"Trong 30 năm, Lộc Trời chưa bao giờ sai sót hay thua lỗ"

Từng được ví như “vua gạo” của Việt Nam với lợi nhuận quanh ngưỡng 300–400 tỷ đồng mỗi năm, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG – UPCoM) bước vào năm 2023 với nhiều kỳ vọng. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt gần 16.100 tỷ đồng – mức cao chưa từng có. Nhưng phía sau con số đồ sộ ấy là một thực tế trớ trêu: Lợi nhuận ròng gần như bay hơi, chỉ còn lại 16,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 411 tỷ đồng năm trước đó.

Lộc Trời không đơn độc trong làn sóng lao dốc của nhóm doanh nghiệp buôn gạo như Angimex (AGM) hay Trung An (TAR). Tuy nhiên, khác với các đối thủ, Lộc Trời còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng thượng tầng chưa từng có. Mâu thuẫn nội bộ leo thang và đỉnh điểm là khoản lỗ 96,3 tỷ đồng trong quý I/2024 – lần đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ sau ba thập kỷ hoạt động.

Người đứng đầu – Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn – không né tránh hiện thực: "Trong 30 năm, Lộc Trời chưa bao giờ sai sót hay thua lỗ nhưng giờ đây chúng tôi phải gánh chịu thua lỗ nặng nề".

Đến nay, báo cáo tài chính các quý tiếp theo vẫn chưa được công bố do doanh nghiệp gặp “sự kiện bất khả kháng” làm gián đoạn dòng vốn. Trong khi đó, nội bộ ban điều hành biến động mạnh. Cựu CEO Nguyễn Duy Thuận bị miễn nhiệm tháng 7/2024 sau nhiều bê bối quản trị. Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn thẳng thắn nhìn nhận: “Trong một trận chiến mà nội gián đã xâm nhập sâu, chúng tôi đã trao quyền cho người khác, nhưng người này đã dẫn doanh nghiệp vào bẫy phục kích của kẻ thù... Tôi đang cân nhắc dừng lại, nhưng không phải để nghỉ ngơi mà để tránh tổn thương thêm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục, tôi sẽ phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là nguy cơ tù tội... Khi đã gặp phục kích, người chỉ huy phải quên đi mạng sống của mình, dám hy sinh để thay đổi tình huống... Việc dừng lại có thể dẫn đến nguy cơ những người khác thổi phồng công ty để bán đi”.

Sau khủng hoảng, Lộc Trời gấp rút tái cấu trúc, bổ sung hai Phó Tổng Giám đốc mới, tìm cách cắt giảm rủi ro tài chính. Tuy nhiên, cổ phiếu LTG vẫn tiếp tục rơi tự do – mất 71% giá trị trong năm 2024 và tiếp tục giảm về 6.100 đồng/cp sau 3,5 tháng đầu năm 2025, lọt Top 10 mã giảm mạnh nhất sàn.

Trong khi đó, một nhân vật khác cũng từng gắn bó với Lộc Trời – Syngenta, đối tác chiến lược lâu năm trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật – đã rút lui và bắt tay với VFG (thuộc PAN Group). Nhờ thương vụ này, VFG ghi nhận tăng trưởng vượt bậc. Về phần mình, Lộc Trời buộc phải xoay trụ cột sang nội tại. Cựu CEO Nguyễn Duy Thuận từng lên tiếng trấn an cổ đông tại ĐHCĐ: "Tầm nhìn dài hạn của công ty".

"Chúng tôi mong muốn nhiều doanh nghiệp làm bài bản như Vinaseed"

Cũng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng theo một con đường khác, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed – Mã NSC) lại duy trì một quỹ đạo ổn định. Tại ĐHCĐ thường niên sáng 16/4/2025, khi được hỏi về "bài học từ Lộc Trời", bà Nguyễn Thị Trà My – tân Chủ tịch HĐQT Vinaseed – chia sẻ quan điểm: "Thương trường là chiến trường. Sự cố tại Lộc Trời có thể giúp Vinaseed hưởng lợi lúc này lúc kia nhưng chúng tôi thực sự không quan tâm đến điều này mà cố gắng tập trung vào chiến lược 3–5 năm đã đề ra. Chúng tôi mong muốn nhiều doanh nghiệp làm bài bản như Vinaseed nhằm đưa ngành nông nghiệp cất cánh".

Bức tranh tài chính của Vinaseed gần như là đối lập hoàn toàn. Suốt 9 năm qua, lợi nhuận trước thuế của NSC luôn duy trì ổn định từ 200–300 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2025 nâng lên mức 310 tỷ – tham vọng cao nhất trong gần một thập kỷ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp giữ chính sách cổ tức đều đặn trên 30% suốt 14 năm liên tiếp dưới thời nữ tướng Trần Kim Liên.

Giờ đây, khi bà Trà My ngồi ghế Chủ tịch, Vinaseed đang bắt đầu giai đoạn tái cấu trúc toàn diện.

Lộc Trời - Vinaseed: Người mất lái - kẻ tăng ga và hai số phận trên một cánh đồng

"Việc này rất quan trọng nhằm có sản phẩm tốt đưa ra thị trường", bà My nhấn mạnh khi nói về chiến lược phát triển R&D.

Song song với nghiên cứu giống cây trồng mới, NSC cũng đẩy mạnh cấu trúc thị trường tiêu thụ: tăng tỷ trọng thị trường nội địa, nâng giá trị xuất khẩu ở các thị trường khó tính để tối ưu biên lợi nhuận. Đồng thời, công ty hướng tới chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ – bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) – trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Một bên là cuộc vật lộn trong khủng hoảng, một bên là sự kiên định chiến lược – Lộc Trời và Vinaseed đang kể hai câu chuyện trái ngược về quản trị và sinh tồn trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn