Lối đi mới cho khối nội trong ngành hàng tiêu dùng giữa cuộc đua khốc liệt
Báo cáo phân tích mới đưa ra trong hạ tuần tháng 11/2024 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI cho rằng CTCP tập đoàn Masan (MSN) - một doanh nghiệp (DN) nội địa hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng, có khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay một cách tích cực.
“Cửa sáng” tăng trưởng nhưng áp lực cạnh tranh cao
Theo đó, Masan được ước tính lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ cho năm 2024 ở mức 1,9 nghìn tỷ đồng, nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng từ hai công ty con trong mảng tiêu dùng và bán lẻ tiêu dùng là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) và Wincommerce (WCM).
Các DN nhỏ và vừa trong ngành hàng tiêu dùng phải tối ưu hóa các kênh bán hàng để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng giữa cuộc đua cạnh tranh khốc liệt này. |
Không những vậy, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ năm 2025 dự báo tăng trưởng 48%, nhờ lợi nhuận tại các công ty con trong mảng tiêu dùng như Wincommerce hay Masan MEATLife (MML) tiếp tục cải thiện.
Như đánh giá của SSI, phía MSN có thể là một đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam trong dài hạn. Mức tăng trưởng kép của công ty mẹ trong giai đoạn 2024-2026 dự báo ở mức 33%.
Cần nhắc thêm, phía Masan đang xây dựng mô hình tiêu dùng nhanh (FMCG) mới với chiến lược xây 6 big brands (nhãn hiệu lớn) tỷ USD giúp người tiêu dùng an toàn khi bỏ tiền ra mua sản phẩm.
Ngoài ra, như ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc của MCH, đã từng chia sẻ, quy mô thị trường FMCG mà phía DN đang phục vụ mới trị giá 8 tỷ USD, trong khi quy mô toàn thị trường tại Việt Nam lên tới 32 tỷ USD.
Hoặc như với CTCP Thế giới số (DGW), trong báo cáo cập nhật vào hạ tuần tháng 11/2024 của SSI có cho rằng thiết bị gia dụng và FMCG của DGW được kỳ vọng đạt tăng trưởng tốt (25-30% so với cùng kỳ trong năm 2024-2025) nhờ công ty này tiếp tục thêm nhãn hàng hay sản phẩm mới vào danh mục.
Giới phân tích nhận định mảng FMCG của DGW trong giai đoạn 2024-2028 sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 25,4%. Trong năm 2024 mảng này sẽ chính thức vượt cột mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng. Điều đó chủ yếu nhờ vào các động lực như tăng trưởng của ngành FMCG ở mức 2 chữ số; thị phần của DGW còn nhiều dư địa mở rộng và công ty liên tục bổ sung danh mục hàng hóa tiêu dùng.
Bên cạnh “cửa sáng” về tăng trưởng của hai DN nội địa nêu trên trong ngành hàng tiêu dùng, tại hội thảo do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 2/12 để bàn về xu hướng mua sắm Tết 2025 - làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho rằng đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam đến từ cả các thương hiệu lâu đời cũng như mới nổi, nội địa và nước ngoài.
Theo bà Nga, sự cạnh tranh khốc liệt này đến từ khắp nơi. Ngày càng có nhiều hơn những thương hiệu, sản phẩm có mặt trên thị trường, thu hút người tiêu dùng. Sự tăng trưởng về số lượng sản phẩm có mặt trên thị trường đến từ các DN lớn, DN nhỏ, hoặc DN mới thành lập, hay các DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam qua con đường chính thống và tiểu ngạch.
“Đây là yếu tố làm cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, và khi họ có nhiều sự lựa chọn thì chắc chắn rằng người tiêu dùng có thể thay đổi thương hiệu mà họ đang sử dụng sang một thương hiệu khác, có thể là vì bao bì đẹp hơn, giá tốt hơn…”, bà Nga chia sẻ.
Bắt nhịp nhanh trước nhu cầu mới
Và điều này khiến cho các DN nội trong ngành hàng tiêu dùng gặp nhiều áp lực cạnh tranh, nhất là trong 2 - 3 năm trở lại đây, chưa kể gần đây còn nhiều thay đổi khác về mặt mua sắm.
Như lưu ý của Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam, các sản phẩm mới được tung ra liên tục mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và danh mục sản phẩm phong phú hơn. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự giảm sút lòng trung thành với thương hiệu. Đáng chú ý là các thương hiệu top đầu đang dần mất thị phần, nhường chỗ cho các thương hiệu nhỏ mới nổi.
“Trước kia, các công ty nhỏ mới ra đời rất khó để chen chân vào các kênh phân phối, nhưng nay đã khác, nhất là ở nông thôn. Thị trường giờ đây phân nhỏ ra rất nhiều, do đó DN nhỏ có nhiều cơ hội hiện diện hơn”, bà Nga chia sẻ thêm.
Không những vậy, theo bà Nga, các thương hiệu Trung Quốc cũng tham gia trong ngành này nhiều, họ có sự thâm nhập sâu sắc, có cửa hàng, người đại diện, có các cửa hàng website lớn…Và cả thương hiệu Thái Lan cũng hiện diện trong đó. Bên cạnh đó, DN còn cạnh tranh với nhãn hàng riêng từ các siêu thị, nhãn hàng riêng tăng 7% năm 2023 và tăng 17% năm 2024.
Ngoài ra, xét về xu hướng mua sắm trong ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy xu hướng lựa chọn nơi mua sắm ngày càng đòi hỏi sự đa dạng về hàng hóa, minh bạch về nguồn gốc, giá cả hợp lý và những giá trị gia tăng từ các chương trình ưu đãi. Do đó, lối đi mới mà các DN ngành hàng tiêu dùng cần làm là nhanh chóng thích ứng và đổi mới chiến lược để đáp ứng những kỳ vọng này, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Không những thế, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN ở ngành hàng tiêu dùng sẽ giúp khối nội đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Áp lực cạnh tranh, cuộc đua về chi phí, công nghệ và dịch vụ khách hàng buộc họ không ngừng tìm kiếm những lối đi mới, giải pháp mới để giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.
Hơn thế nữa, giới chuyên gia cho rằng sức ép cạnh tranh khốc liệt cũng được xem là yếu tố quyết định để các DN nội địa trong ngành hàng tiêu dùng tiến tới mở rộng thị phần. Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các DN nhỏ và vừa khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính mạnh.
Tuy nhiên, trong dài hạn, cuộc cạnh tranh này sẽ góp phần làm cho thị trường ngành hàng tiêu dùng ở Việt Nam trở nên minh bạch hơn, thúc đẩy sự phát triển của các DN nội địa có năng lực cạnh tranh cao, có chiến lược kinh doanh hiệu quả và linh hoạt hơn nhằm gia tăng thị phần, củng cố vị thế.
Đặc biệt, các DN của khối nội cần bắt nhịp với điều kiện thị trường, sự chuyển dịch trong khuynh hướng tiêu dùng. Họ nên đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động, xây nền móng cho thành công bền vững.
Trong đó, chiến lược đẩy mạnh bán hàng đa kênh (omni-channel) là điều mà các DN của khối nội trong ngành hàng tiêu dùng nên làm mạnh mẽ hơn nữa. Bởi lẽ, giữa cuộc đua này, khi mà người tiêu dùng ngày càng mong muốn sự linh hoạt trong việc mua sắm càng đòi hỏi các DN phải tối ưu hóa các kênh bán hàng để vừa đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng và vừa giữ được sức tăng trưởng tốt.
Thế Vinh
Xem thêm tại vnbusiness.vn