"Lợi kép" từ kéo dài Thông tư số 02/2023/TT-NHNN
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ kéo dài thời gian áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024. Điều này được cho làm dịu đi việc nợ xấu tăng nóng tại nhiều ngân hàng.
Nợ xấu đang “nóng”
Theo báo cáo tài chính năm 2023 của nhiều ngân hàng, nợ xấu ghi nhận mức tăng mạnh và có xu hướng đi lên. Điều này buộc các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận bị "ăn mòn".
Dữ liệu WiChart cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây.
Không chỉ các ngân hàng nằm ở top dưới (có quy mô tài sản nhỏ) ghi nhận nợ xấu tăng mà cả các ngân hàng top đầu cũng không tránh khỏi.
Như tại MSB ghi nhận tổng nợ xấu đến hết năm 2023 hơn 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 1,71% lên 2,87%.
TPBank cũng ghi nhận tổng nợ xấu tăng lên hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần so với đầu năm, với tất cả nhóm nợ xấu đều tăng.
Hay tại Techcombank, tính đến hết năm 2023, tổng nợ xấu xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, cả 3 nhóm nợ đều tăng nóng. Nợ nhóm 3 tăng đến 105,8%, lên 1.857 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 144%, lên 2.762 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng 38%, lên 1.380 tỷ đồng.
Số liệu của NHNN cho thấy, với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến ngày 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.
Phó tổng giám đốc Techcombank Phạm Quang Thắng cho hay, về cơ cấu nợ của khách hàng tại ngân hàng theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến cuối tháng 1/2024 vào khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng bắt đầu trả nợ dần.
Trong khi đó, ông Hồ Nam Tiến - Tổng giám đốc LPBank thông tin, đến nay, LPBank cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Tuy nhiên, việc trả nợ khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến hạn vào 30/6 tới cũng là khó khăn, do đó các ngân hàng mong muốn NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ thêm 6 tháng hoặc 1 năm.
Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư số 02/2023/TT-NHNN là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Nếu Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được gia hạn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Doanh nghiệp khó khăn được giãn nợ thêm 6 tháng
Tại buổi họp báo quý I mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay.
Do đó, NHNN sẽ kéo dài thời gian áp dụng thông tư này đến hết năm 2024. Điều đó đồng nghĩa nhà điều hành cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn đến cuối năm nay, thay vì kết thúc vào ngày 30/6 như quy định cũ.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, mức độ, liều lượng của chính sách cần phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề. Thứ nhất là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hai là hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, trước mắt chính sách sẽ chỉ được kéo dài thêm 6 tháng.
"Tùy theo tình hình thực tế, NHNN sẽ xem xét việc dừng hay gia hạn thêm hay không", Phó thống đốc nói.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cũng quy định các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ). Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo 2 giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích đủ 100% vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc kéo dài Thông tư số 02/2023/TT-NHNN có thể có lợi trước mắt cho người đi vay và cả ngân hàng, nhưng thực tế nợ xấu thì vẫn "nóng" và có thể ngày càng "nóng" hơn, do một phần nợ xấu được tạm được “che giấu” và khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hạn, nợ xấu sẽ bắt đầu lộ diện. Do đó, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng giúp hạn chế nợ xấu nội bảng gia tăng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, ông Lực vẫn đưa ra cảnh báo về rủi ro nợ xấu khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực. Khi đó, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn