Lời khai của người nhà, thông gia giúp ông Trịnh Văn Quyết phạm tội

Theo cáo buộc, để bảo đảm đủ điều kiện về số lượng cổ đông tối thiểu được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế hợp thức bằng cách lấy danh sách cán bộ nhân viên công ty để đưa vào danh sách cổ đông và lập danh sách 386 cổ đông, hợp thức việc chuyển nhượng, hoặc bán một phần nhỏ cho cán bộ, công nhân viên, sau đó soạn thảo số cổ đông để tăng lên 386 cổ đông.

Sau khi cổ phiếu ROS đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế sử dụng 518 tài khoản (của người thân, quen, nhân viên của Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga) do Huế trực tiếp mở, quản lý, sử dụng để mua bán cổ phiếu ROS, điều chuyển tiền theo chỉ đạo của ông Quyết.

Các bị cáo đã giúp Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.818 tỷ đồng. CQĐT xác định, các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán số tiền hơn 3.621 tỷ đồng.

Sau khi số tiền bán cổ phiếu ROS được chuyển về tài khoản của các cổ đông, bị cáo Huế lập chứng từ rút tiền mặt đưa cho các cổ đông ký, để Huế lấy tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau.

xét xử flc.png
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Tại tòa, nhiều bị cáo là người thân, anh em, cháu và cả thông gia của bị cáo Trịnh Văn Quyết đều thừa nhận tội danh bị truy tố. Họ khai rằng không góp vốn, không phải cổ đông Công ty Faros nhưng được nhờ đứng tên khi Faros tăng vốn điều lệ, giúp sức cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc niêm yết và bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros.

Những người này còn cho mượn giấy tờ cá nhân theo đề nghị của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế để mở các tài khoản chứng khoán, đứng tên pháp nhân phục vụ cho chuỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Các bị cáo cho rằng việc ký vào các giấy tờ mà không biết được nội dung hoặc không ý thức được hành vi của mình là phạm tội.

Bị cáo Trịnh Văn Đại (con bác ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết), cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros thừa nhận việc ký nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động của Công ty Faros, nhưng bị cáo không hiểu biết nhiều mà chỉ ký khi được bà Trịnh Minh Huế nhờ.

Bị cáo cũng không nhớ đã ký bao nhiêu tài khoản chứng khoán của FLC, vì tất cả các tài khoản bị cáo ký đều do bà Huế sử dụng và quản lý, bản thân bị cáo không được hưởng lợi gì.

Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh (chồng bị cáo Nga) thừa nhận đã ký vào các hợp đồng vì được bà Huế nhờ. Bị cáo cũng thừa nhận việc cho bà Huế mượn chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán. Còn bị cáo Huế mở bao nhiêu tài khoản mua bán chứng khoán từ chứng minh nhân dân của bị cáo thì bị cáo không nhớ. Bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc ký giúp bị cáo Huế.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung khai, gia đình bà là thông gia với gia đình bị cáo Quyết. Bản thân bị cáo là thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền.

Nhưng vì được nhờ, nên bà Dung đã ký các hợp đồng theo lời đề nghị của bị cáo Huế và không được hưởng lợi gì. Bà Dung cũng thừa nhận việc đã cho bị cáo Huế mượn chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán.

Theo trình bày của bà Trịnh Thị Thúy Nga, bị cáo không được ông Trịnh Văn Quyết trực tiếp nhờ mà thực hiện mọi việc theo yêu cầu của Trịnh Thị Minh Huế (em ruột bị cáo). Bị cáo thừa nhận việc ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần góp vốn ở Tập đoàn FLC trị giá hàng trăm tỷ đồng và dù là anh chị em ruột nhưng bị cáo làm mọi việc mà không được bàn bạc hay hưởng lợi gì. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn