Lợi nhuận doanh nghiệp vật liệu quý 3: Dự báo HPG tăng nhẹ, HSG giảm mạnh do nền cao năm ngoái
Chứng khoán MBS vừa đưa ra dự báo lợi nhuận ngành thép và tôn mạ quý 3/2024 với điểm nhấn ngành vật liệu cơ bản gặp nhiều khó khăn khí giá hàng hóa nói chung suy giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, điểm sáng từ nhóm các doanh nghiệp thép.
Trong Q3/2024 ngành thép gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá.
Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trở thành điểm sáng trong bối cảnh tiêu thụ nội địa tăng trưởng 20% so với cùng kỳ nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25% so với cùng kỳ.
MBS đánh giá, biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 12% trong khi giá thép xây dựng giảm 9% so với cùng kỳ.
HPG dự kiến ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 2.257 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 1 điểm % lên khoảng 11% và chi phí tài chính giảm 7% so với cùng kỳ.
Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, lợi nhuận ròng của NKG dự kiến tăng 270% so với cùng kỳ nhờ biên gộp cải thiện lên mức lên mức 7% (từ khoảng 2.5% của năm 2023) trong khi HSG giảm 78% so với cùng kỳ do nền cao trong Q3/23.
Sắp tới, giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản của nước này như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0.5%, giảm lãi suất 7 ngày 20 điểm cơ bản xuống còn 1,5%, cắt giảm lãi suất cho vay mua nhà, hạ tỷ lệ trả trước khi mua nhà xuống còn 15%...
Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong Q4/24 các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá sẽ được ban hành kỳ vọng vào tháng 12 năm 2024.
Nhận định về triển vọng doanh nghiệp ngành vật liệu năm 2024 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng năm 2024 ngành tôn mạ có thể đạt 2,3 triệu tấn tăng 11%, xuất khẩu đạt gần 2,9 triệu tấn tăng 30%. Tương ứng trong quý 4, sản lượng nội địa và xuất khẩu lần lượt đạt 600.000 tấn giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 587.000 tăng nhẹ 0,5%.
Trong đó, miền Bắc tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng trưởng 4,8%, do nhu cầu xây dựng lại các công trình bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Xuất khẩu có phần sụt giảm do ảnh hưởng của biên độ lệch giá HRC duy trì ở mức thấp trong Q3/2024.
Với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Trong trường hợp DOC nhận thấy có dấu hiệu chống bán phá giá từ các nhà sản xuất thép Việt Nam, sẽ tác động tiêu cực đến số lượng các đơn hàng doanh nghiệp tôn mạ trong Q4/2024.
Trong khi đó, FiinGroup cho rằng cơn bão Yagi vừa qua là cơ hội cho ngành thép do cơ sở hạ tầng bị hư hại sẽ làm tăng nhu cầu về vật liệu, dẫn đến sự tăng trưởng cho các công ty trong lĩnh vực này thông qua các dự án tái thiết của chính phủ và địa phương.
Từ ngày 7 đến 8/9/2024, cơn bão Yagi đã đổ bộ vào Việt Nam, gây ra mưa lớn và lũ lụt ở 26 tỉnh và thành phố thuộc miền Bắc Việt Nam và Thanh Hóa. Theo thống kê từ FiinGroup, các khu vực này đóng góp 25,81% GDP, 24,57% tổng số doanh nghiệp, 21,02% doanh nghiệp FDI và đóng góp 17,27% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến ngày 28/9, các cơ quan chức năng ước tính thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra đã vượt quá 81,50 nghìn tỷ đồng, dẫn đến giảm 0,15% tổng tăng trưởng GDP cho năm 2024. Trong đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,33%, ngành công nghiệp và xây dựng giảm 0,05%, và dịch vụ giảm 0,22%.
Xem thêm tại vneconomy.vn