Lợi nhuận đạt hàng chục nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh sơ bộ năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 có thể khoảng 41.200 tỷ đồng và lợi nhuận riêng lẻ vượt 40.400 tỷ đồng. Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và bỏ xa các nhà băng trong nhóm Big4 như BIDV, VietinBank và Agribank.
BIDV cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong năm 2023, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank. Agribank công bố, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 ước đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm trước. Còn tại VietinBank, lợi nhuận năm 2023 cũng đã vượt kế hoạch đề ra, cán mốc tỷ USD.
Với khối cổ phần tư nhân, MB cho biết, lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng trong năm 2023 đạt gần 24.688 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất đạt 26.200 tỷ, tăng 15%. Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt 22.900 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra ở mức 22.000 tỷ đã được ĐHCĐ thông qua hồi tháng 4/2023.
VIB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước, nhưng chỉ thực hiện được 88% kế hoạch đề ra. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 7 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng là Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Agribank, Techcombank, VIB. Tuy nhiên, khả năng sẽ có 11 ngân hàng nằm trong “câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng” trong năm 2023 là Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, SHB, VIB.
LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 đạt 3.353 tỷ đồng, tăng tới 287% so với cùng kỳ. Lũy kế, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 7.039 tỷ đồng, tăng 24%. Đây là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quý IV.
Saigonbank báo lãi trước thuế quý IV/2023 đạt 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của Saigonbank đạt 332 tỷ đồng, tăng 40%. BacABank cũng có kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 đạt 485 tỷ đồng, tăng 50%. Lãi trước thuế năm 2023 đạt 1.036 tỷ đồng, ngang với năm 2022.
TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 là 630 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do nhà băng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của TPBank ở mức 5.589 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với năm 2022 (đạt 7.828 tỷ đồng).
BaoVietBank báo lãi trước thuế quý IV/2023 đạt 56 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 nhà băng đạt 90 tỷ đồng, ngang bằng 2022. Trong khi đó, PGBank báo lỗ 5 tỷ đồng trong quý IV/2023 so cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 119 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 356 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022.
Sẽ có nhiều ngân hàng chia cổ tức tiền mặt
Với kết quả kinh doanh khả thi, một số ngân hàng cho hay, sẽ lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, thông tin về việc chia cổ tức bằng tiền mặt đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng đã tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý IV/2023 và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Trước đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng nhiều lần được cổ đông nhà băng này chất vấn HĐQT tại mỗi kỳ ĐHCĐ của Techcombank suốt 10 năm qua. Gần nhất, tại kỳ đại hội hồi tháng 4/2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank từng cho biết, có thể sẽ có thay đổi và năm 2023 là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
VIB cũng là ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Theo đó, VIB đã quyết định chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 21/2/2024.
Tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2023, lãnh đạo VIB từng cho hay, nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền, Ngân hàng có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023. Theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, VIB dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 là 8.640 tỷ đồng và nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 dự kiến đạt 9.159 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, VIB đã có 2 đợt chia cổ tức vào tháng 3 và tháng 5 với tỷ lệ chia lần lượt là 10% và 5%. Ngoài ra, VIB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%. Đồng thời, Ngân hàng phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu cho người lao động ESOP vào tháng 6/2023. Vốn điều lệ của VIB theo đó tăng lên 25.368 tỷ đồng.
Tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2023, lãnh đạo cấp cao VPBank cũng cho biết, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông.
Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được VPBank thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm qua, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng...
Ngoài VIB, VPBank, còn có 3 ngân hàng khác thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 gồm: ACB, HDBank, MB... Đối với cổ đông, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng là niềm vui trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” khó tăng trong bối cảnh chung của thị trường, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư bấy lâu nay đã mang được về "tiền tươi thóc thật".
Tuy vậy, các ngân hàng cũng được khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, giúp làm dày bộ đệm vốn của ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính trước những rủi ro trong tương lai.
Nhưng khác với 3 năm trước, khi dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, thì năm nay không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao.
Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường... Đây là điều kiện để ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu.