Lợi nhuận một 'ông lớn' chiếm 1/4 cả nhóm bất động sản khu công nghiệp
Theo thống kê từ 27 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý III/2024, tổng doanh thu đạt 9.415 tỷ đồng và lãi ròng 2.097 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 55% so với cùng kỳ.
Các đại gia ngành bất động sản khu công nghiệp
Trong đó có 14 doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng dương. Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm là Tổng Công ty Idico - CTCP (mã: IDC, sàn HNX) ghi nhận 511 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Riêng lợi nhuận của IDC đã chiếm 1/4 lợi nhuận toàn nhóm bất động sản khu công nghiệp trong quý III/2024.
Idico cũng dẫn đầu về doanh thu trong kỳ, đạt 2.275,5 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, tăng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần khiến lợi nhuận tăng.
Xếp thứ 2 về lợi nhuận trong kỳ là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) với lãi sau thuế 344 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
Ông "trùm" khu công nghiệp Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần quý III gần 1.228 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Bất chấp các chi phí tăng cao, BCM hưởng lợi từ khoản lãi gần 224 tỷ đồng, từ công ty liên doanh liên kết, gấp 38 lần cùng kỳ.
Xếp thứ ba về CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP) với lãi ròng gần 302 tỷ đồng, tăng 56% so với quý III/2023. Trong kỳ này, doanh thu thuần của SIP đạt 1.977 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, do tăng từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp.
Tương tự như BCM, SIP cũng ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng tới 155% lên mức 135 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận SIP vẫn tăng trưởng dương bất chấp tổng chi phí tăng 45% lên 64 tỷ đồng.
Bên cạnh 3 "ông lớn" nêu trên, chỉ còn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) và Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, mã SNZ) đạt mức lợi nhuận trên 100 tỷ đồng trong quý III/2024.
Trong đó, Kinh Bắc ghi nhận lãi ròng quý III tăng gấp 41,7 lần cùng kỳ, đạt hơn 196 tỷ đồng. Doanh thu thuần KBC ghi nhận hơn 950 tỷ đồng, cũng gấp 3,8 lần cùng kỳ, chủ yếu là doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp tăng.
Còn Sonadezi mang về doanh thuần hơn 1.337 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Các mảng mang về nguồn thu chính vẫn là từ kinh doanh khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, dịch vụ cảng và xử lý chất thải.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm sâu 61% còn gần 30 tỷ đồng, do khoản cổ tức, lợi nhuận được chia giảm mạnh trong khi tổng chi phí tăng 5% lên 156 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận ròng của SZN giảm 8% còn hơn 192 tỷ đồng.
Cột 1 | |
---|---|
IDC | 511 |
BCM | 344 |
SIP | 301,9 |
KBC | 196,2 |
SNZ | 192,3 |
KBC và VRG gây bất ngờ
Ngoài nhóm đại gia nêu trên, quý III/2024 còn có 11 doanh nghiệp trong nhóm khu công nghiệp báo lãi giảm và 1 công ty chìm trong thua lỗ.
CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (mã: TIP) ghi nhận lãi ròng giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 19 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu thuần trong kỳ đi ngang hơn 40 tỷ đồng trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 91%, còn gần 7 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: VRG, sàn UPCoM) bất ngờ báo lỗ quý III sau nửa đầu năm khởi sắc.
Doanh thu thuần trong kỳ chưa đầy 7 tỷ đồng, tăng 27% nhưng VRG vẫn báo lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý III/2024, trong khi cùng kỳ lỗ 4,5 tỷ đồng. VRG cho biết, do trong kỳ công ty chưa ký được hợp đồng mới về thuê lại đất gắn với cơ sở hạ tầng khiến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Về kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng đầu năm, nhóm dẫn đầu gần như không thay đổi khi IDC vẫn có lợi nhuận lớn nhất ngành đạt gần 1.639 tỷ đồng, tăng 95% so cùng kỳ.
Theo sau SIP với 846,7 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. So với kế hoạch thận trọng năm 2024 với doanh thu gần 5.388 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 793 tỷ đồng, SIP đã vượt kế hoạch năm lần lượt 7% và 14%.
Vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt là SNZ với 737,4 tỷ đồng, tăng 31% và BCM ghi nhận lãi ròng 736 tỷ đồng, tăng 89%.
Đáng chú ý là KBC xếp thứ 5 về lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm đạt 351,6 tỷ đồng nhưng giảm tới 82% so với cùng kỳ và là doanh nghiệp "bốc hơi" lợi nhuận mạnh nhất trong nhóm. Nguyên nhân đến từ việc KBC bất ngờ báo lỗ quý đầu năm.
Với kế hoạch tham vọng năm 2024, doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, KBC khó hoàn thành mục tiêu khi mới đi được lần lượt 22% và 10% chặng đường.
Ở chiều ngược lại, VRG dù thua lỗ quý III nhưng nhờ nửa đầu năm kinh doanh hiệu quả nên lợi nhuận 9 tháng đạt hơn 30 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng.
Hà Ly
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn