Lợi nhuận ngân hàng quý II có 'sáng màu'?
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có đến 72,7% tổ chức tín dụng cho rằng tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II và suốt cả năm 2024. Về lợi nhuận trước thuế quý II/2024, 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng so với quý I/2024, trong khi 30,9% dự báo giữ nguyên và 11,8% lo ngại sẽ giảm.
Cả năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2023, trong khi 10,1% lo ngại sẽ giảm và 3,7% cho rằng sẽ không thay đổi.
Tín dụng tăng trưởng tích cực
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, bên cạnh những thách thức vẫn còn có những yếu tố kỳ vọng giúp lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 khả quan hơn, như: tình hình phục hồi của nền kinh tế, dự báo tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, thanh khoản bớt dư thừa giúp biên lãi thuần (NIM) tăng nhẹ...
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), bất chấp tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ở mức thấp trong các tháng đầu năm, vẫn có những nhà băng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực như HDBank, LPBank, Techcombank, NCB hay MSB.
Các chuyên gia nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương trong quý II và cả năm, dù sự phân hóa sẽ ngày một rõ rệt giữa các nhà băng. |
Trong đó, các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực đầu năm đều thuộc nhóm ngân hàng thương mại tư nhân với chiến lược cho vay khách hàng cá nhân.
Riêng LPBank, số liệu VCBS cho biết tăng trưởng tín dụng quý I của ngân hàng này đã đạt 11,7%, cao nhất hệ thống ngân hàng và là nhà băng duy nhất ghi nhận tăng trưởng tín dụng quý I trên 10%.
Tổng giám đốc Hồ Nam Tiến thông tin, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của LPBank đã đạt trên 10% và dự kiến cả năm có thể tăng 15% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao.
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng thấp, LPBank vẫn có những động lực riêng để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có tín dụng cá nhân. Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng ghi nhận mức tăng tốt khi thị trường này đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực từ đầu quý II.
Tương tự, nhờ mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong các tháng đầu năm, HDBank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt trong nửa đầu năm, ước đạt trên 5.000 tỷ đồng. Theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hảo, nhà băng này dự kiến lợi nhuận năm nay gấp rưỡi năm trước (năm 2023, HDBank lãi hơn 13.000 tỷ đồng).
"Với các động lực tăng trưởng sẵn có, HDBank có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao hơn. Nhưng để dành nguồn lực hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ban lãnh đạo quyết định chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức vừa phải", ông Hảo chia sẻ.
Theo VCBS, trong quý đầu năm, HDBank cũng là một trong 3 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, tăng 6,2% so với cuối năm 2023.
Các ngân hàng: Techcombank (+7,1%), NCB (+5,1%), MSB (+4,7%), Eximbank (+4,7%), OCB (+4,6%)... cũng nằm trong nhóm ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực trong các tháng đầu năm.
NIM cải thiện
Bên cạnh tín dụng, NIM cải thiện cũng là yếu tố cải thiện tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng trong những quý tới. Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, Công ty cổ phần chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng triển vọng của ngành ngân hàng năm 2024 phụ thuộc vào việc cải thiện NIM do chi phí vốn thấp và động lực cho vay từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, xuất nhập khẩu và nhu cầu vay trong nước phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như thị trường bất động sản "đóng băng" và áp lực xử lý nợ xấu.
Dự báo về NIM của ngành ngân hàng, theo chuyên gia VCBS, NIM sẽ ổn định trong quý II và III, sau đó giảm vào quý IV khi lãi suất huy động tăng. Lãi suất huy động có thể tăng từ 50 - 100 điểm cơ bản trong năm, trong khi lãi suất cho vay dự kiến giữ nguyên và có thể tăng nhẹ vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, NIM của Ngân hàng đã giảm từ 5,5-5,6% về 4,4% trong năm 2023 do chi phí huy động tăng và phân khúc rủi ro cao. Tuy nhiên, chỉ tiêu này bắt đầu nhích tăng ngay từ những tháng đầu năm 2024 và dự báo sẽ còn tăng trong năm nay, nhưng không phải nhờ tăng lãi suất cho vay, mà do tiết kiệm được chi phí vốn khi lãi suất xuống thấp.
“Gần đây, lãi suất huy động có tăng ở một số ngân hàng nhưng chúng tôi đánh giá chỉ là tăng tạm thời. Nhìn chung, năm nay, lãi suất nằm ở mặt bằng thấp, NIM sẽ phục hồi lên 4,9-5%”, ông Vinh chia sẻ.
Tương tự, tăng trưởng tín dụng của Techcombank trong quý đầu năm 2024 đạt 6,4%, NIM cải thiện và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên ngưỡng 40,5%. Bà Lê Thanh Hằng, Cố vấn Quan hệ nhà đầu tư Techcombank cho biết, NIM của Ngân hàng có thể cải thiện trong năm 2024, nhưng chỉ ở mức tăng nhẹ so với năm 2023, do Techcombank có thể tiếp tục áp dụng xuyên suốt các chương trình hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền.
Trong khi đó, MSB duy trì NIM ở mức 3,87% vào cuối quý I/2024; chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) giảm xuống mức 33,6% so với mức 39,26% hồi đầu năm 2024.
Nhận định về lợi nhuận cả năm nay, các tổ chức tín dụng đánh giá “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cho cả năm 2024. Tiếp đó là “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”, và “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị”.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn