Lợi nhuận ngân hàng tăng chậm lại

Nợ xấu trong xu hướng tăng

Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của 29 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của nhóm này ở mức trên 259.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm 2023.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành là 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022.

BIDV đứng đầu toàn ngành về số dư nợ xấu, với hơn 33.386 tỷ đồng, con số này tăng hơn 49% so với cuối năm 2023. Do tổng dư nợ tín dụng ở mức cao nên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của BIDV vẫn ở mức khá thấp: 1,71%.

Cùng nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, VietinBank ghi nhận số dư nợ xấu tăng mạnh, với gần 40% trong 9 tháng đầu năm, lên 23.225 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của nhà băng này ở mức 1,45%, tăng so với mức 1,13% hồi cuối năm 2023.

Tại Vietcombank, số dư nợ xấu cũng tăng hơn 37% trong cùng mốc thời gian, lên 17.133 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của nhà băng này theo đó cũng đi lên, nhưng vẫn ở mức thấp nhất hệ thống, với 1,22%.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank có số dư nợ xấu cao nhất, với gần 30.532 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,81%.

Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của VPBank tăng tới 68,5% so với cuối năm trước, lên hơn 7.354 tỷ đồng. Tiếp đến là MB (nợ xấu tăng 60% so với cuối năm trước), BVBank (tăng 55,7%), Bac A Bank (tăng 50,1%)...

Báo cáo tài chính quý III/2024 của một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ trong kỳ này, cho dù các nhà băng đã ra sức xử lý, thu hồi nợ. Cụ thể, tại PGBank, đến cuối tháng 9/2024, số dư nợ xấu ở cả 4 nhóm nợ đều tăng so với cuối năm 2023. Theo đó, tổng số dư nợ xấu là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Theo thống kê, hàng loạt ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3%, gồm PGBank, ABBank, VietBank, PVComBank, VIB, OCB, BaoVietBank, BVBank, VPBank, NCB.

Chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank. MB đã rời nhóm này khi ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 117% từ đầu năm xuống còn 101,7% cuối quý II và xuống 68,8% cuối quý III/2024.

Nhìn nhận về xu hướng nợ xấu của ngành ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi (đầu tháng 9), nhiều khách hàng của các nhà băng tại phía Bắc mất khả năng trả nợ nên khả năng nợ xấu còn tăng trong quý cuối năm nay.

Ông Hiếu ước tính, nợ xấu ngành ngân hàng đến thời điểm này có thể đã vượt 6%.

Thực tế cho thấy, tuy các ngân hàng đã nỗ lực kiểm soát, xử lý thu hồi, song nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Trước đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh rằng, nợ xấu ngân hàng khó có thể kiểm soát nếu nguyên nhân của nợ xấu là những yếu tố khách quan.

Do vậy, Thống đốc đề nghị các doanh nghiệp và người dân cần tăng cường khả năng tài chính cũng như cơ cấu lại hoạt động quản trị, đặc biệt là quản trị dòng tiền, bởi trên thực tế, có những doanh nghiệp có tiền nhưng quản trị dòng tiền không được tốt.

Áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro

Nợ xấu tăng khiến các ngân hàng đang phải gia tăng trích lập dự phòng. Chẳng hạn, tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý III là 1,35%, tăng nhẹ so với mức 1,28% tại cuối quý trước đó.

Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đã trích lập dự phòng 3.964 tỷ đồng nợ xấu, tăng 73,4% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng trưởng tích cực, lên mức 103,4% vào cuối tháng 9, từ mức 101% cuối tháng 6/2024.

Tại PGBank, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh khiến chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm của nhà băng này tăng gần 3 lần (lên 300 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Tương tự, dù nợ xấu được khống chế ở mức dưới 3%, song tỷ lệ nợ xấu BaoVietBank thuộc tốp cao trong hệ thống, nên dự phòng rủi ro tăng 35%...

Saigonbank cũng là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng. Kết thúc quý III/2024, dư nợ tín dụng của Saigonbank tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank ở mức 2,2%, trích lập dự phòng tăng thêm 20% so với năm trước.

Thực tế, trước áp lực gia tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng nỗ lực tăng trích lập dự phòng rủi ro nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 29 ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn nhà băng đều giảm so với cuối năm ngoái.

Xét chung nhóm này, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 10,2%, từ mức 91,8% cuối năm ngoái xuống 81,6% vào cuối quý III/2024. Trong đó, 18 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 3 quý đầu năm.

Chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank. MB đã rời nhóm này khi ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 117% từ đầu năm xuống còn 101,7% cuối quý II và xuống 68,8% cuối quý III/2024.

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 204,6%, nhưng đã giảm thêm 25,7% so với cuối năm ngoái. VietinBank, BIDV lần lượt xếp vị trí thứ hai và ba, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 153% và 115,7%, giảm 14,2% và 65,2% so với cuối năm 2023.

Agribank chưa công bố báo tài chính quý III/2024, nhưng theo số liệu từ báo cáo bán niên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 116,1%, giảm 16,3% so với hồi đầu năm.

Techcombank, Sacombank và KienlongBank là ba ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện đến cuối quý III, tăng lần lượt 1,3%; 6,2% và 10,2% so với cuối năm 2023.

Ngoài ra, có 8 ngân hàng cổ phần cải thiện được tỷ lệ bao phủ nợ xấu gồm MSB, ABBank, OCB, PVcomBank, VietABank, PGBank, Vietbank, HDBank, song mức tăng không quá lớn, đều dưới 8 điểm phần trăm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, không thể tính chính xác nợ xấu thực tế hiện nay tại các ngân hàng, nhưng chắc chắn là cao hơn con số công bố. Khi Thông tư 02/2023 của NHNN hết hiệu lực, nợ xấu sẽ tăng, vì thế, các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn