Lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc vào cầu tín dụng

Theo khảo sát của VnBusiness, tính tới ngày 25/10 đã có 10 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm: ACB, VIB, SeABank, Techcombank, Eximbank, LPBank, SaigonBank, BaoVietBank, PGBank, Kienlongbank. Một nửa trong đó có lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh xuất hiện những "gam màu xám"

Bên cạnh những ngân hàng thu về hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận, đã xuất hiện những nhà băng có lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng. Theo lý giải từ phía các ngân hàng, nguyên nhân lãi giảm chủ yếu là do các nhà băng tăng cường trích lập dự phòng, hoạt động ngoài lãi giảm mạnh… tác động không nhỏ đến tổng thu nhập hoạt động ngân hàng.

Saigonbank là ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về lợi nhuận trong quý III với mức giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về điều này, Saigonbank cho biết việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 9 tháng và kéo theo lợi nhuận tụt 18%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 2,2%, trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước.

-3208-1729849754.jpg

Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu đến từ mảng tín dụng.

Tương tự, BaoVietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ còn 7 tỷ đồng. Theo nhà băng này, lợi nhuận giảm chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động giảm mạnh trong quý, giảm gần 26%. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ ghi nhận sụt giảm mạnh từ 403 tỷ đồng xuống còn 151 tỷ đồng, tương ứng giảm 62,5% và một số khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác cũng tác động đến lợi nhuận ngân hàng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BaoVietBank cũng chỉ đạt hơn 32 tỷ đồng.

Cùng diễn biến, phần lớn mảng thu nhập ngoài lãi tại KienlongBank trong quý III đều có sự sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, mặc dù tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý III của ngân hàng tăng 44,9% nhưng do chi phí hoạt động tăng gần 80% cùng với đẩy mạnh chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ (tăng 50,7%), nên lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 12% so với cùng kỳ, còn 209 tỷ đồng.

Với VIB, ước tính riêng trong quý III, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Đại diện VIB lý giải lợi nhuận giảm do hỗ trợ lãi suất, đầu tư mở rộng và trích lập dự phòng…

Tại ACB, quý III ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.844 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do hầu hết các khoản thu ngoài lãi đều sụt giảm: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 2,1% còn hơn 747,1 tỷ đồng, thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận giảm 47,2% xuống còn 166,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thu nhập từ mảng kinh doanh chứng khoán đầu tư tiếp tục sụt giảm mạnh tới 94,6%, chỉ còn thu về 47 tỷ đồng.

Dù vậy, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 2%, đạt 15.335 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 12.244 tỷ đồng tăng 1,71% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng mặc dù ghi nhận lợi nhuận trong kỳ tăng, nhưng tính chung 9 tháng đầu năm lại sụt giảm. Điển hình như PGBank ghi nhận lợi nhuận giảm 4,4%, đạt 344 tỷ đồng…

Hụt thu mảng tín dụng bán lẻ

Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu đến từ mảng tín dụng, do vậy, tăng trưởng tín dụng đang ổn là tín hiệu tốt đối với lợi nhuận của ngành ngân hàng. Tuy vậy, sẽ có sự phân hoá nhất định về lợi nhuận giữa các nhà băng do mục tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau.

Nhóm ngân hàng cho vay doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong quý III và cả năm 2024, trong khi nhóm cho vay tiêu dùng có thể tiếp tục đối mặt khó khăn.

Nguyên nhân là do trong năm nay, kinh tế gặp khó khăn, người dân phải cắt giảm chi tiêu. Minh chứng rõ nét là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng chậm lại so với những năm trước.

Số liệu của Công ty Chứng khoán Vietcombank cũng cho biết, tín dụng bán lẻ tiếp tục đà giảm tốc, với tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ giảm từ mức 44,2% cuối năm 2023 xuống mức 43% khi nhu cầu mua nhà, phục vụ đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng chưa có sự phục hồi rõ rệt.

Trong khi đó, tín dụng ngành công nghiệp, sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9%, trong đó tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt hơn 20%.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có sự phân hoá thì mảng thu nhập ngoài lãi tại các ngân hàng vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự kiến không thể tăng trưởng cao, khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Do đó, giới phân tích dự báo nhìn chung lợi nhuận ngành ngân hàng khó tăng cao. Thậm chí, theo đánh giá của FiinGroup, biên lãi ròng của ngành vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên hoặc giảm, một số nhà băng nhỏ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng, giới phân tích dự tính ở mức 15 – 17% cho năm 2024 và khoảng từ 20- 24% cho năm 2025.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM), đánh giá sự phân hoá về lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét. Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, nên NIM (biên lợi nhuận) khó tăng cao. Trong khi đó, nợ xấu ở các nhà băng này có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn