Lợi nhuận ngành chứng khoán phân hóa quý II: Kẻ lãi đột biến, người kinh doanh sa sút

Thống kê đến đầu giờ chiều 19/7, ghi nhận 40 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính đơn lẻ/riêng quý II. Trong đó, 32 công ty báo lãi và 8 đơn vị lỗ. Trong nhóm 32 công ty báo lãi, 14 đơn vị tăng lãi, 14 giảm lãi và 4 trường hợp chuyển từ lỗ sang lãi.

Chứng khoán MB (MBS) tiếp tục là đơn vị công bố báo cáo tài chính quý II sớm nhất. Doanh thu quý II tăng 120% so với cùng kỳ năm trước, đạt 883 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 217 tỷ đồng, tăng 75%. MBS cho biết doanh thu khởi sắc đến từ việc thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ. Từ đó, doanh thu môi giới tăng 32% đạt hơn 179 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu chiếm 262 tỷ đồng, tăng 88%.

Tại mảng tự doanh của MBS, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 341 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ. Trong khi đó, lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 22% xuống 36 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý II của Chứng khoán Kafi cho thấy doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 210 tỷ đồng, gấp 1,9 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 43%, doanh thu môi giới gấp 7 lần, lãi từ các khoản cho vay và phải thu gấp 3 lần.

Theo Kafi, tăng doanh thu đến từ việc mở rộng kinh doanh. Đồng thời, các chi phí hoạt động, chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng gia tăng do mở rộng kinh doanh, tăng đầu tư công nghệ, thương hiệu và nhân sự.

Lãi sau thuế đạt 49 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả tốt thứ hai lịch sử hoạt động của Kafi, sau quý IV/2023 (lãi 60 tỷ đồng). Tính chung 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế đạt 75 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất là AseanSC, khi đạt 44 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý II, gấp 47 lần so với 0,9 tỷ đồng của quý II/2023. AseanSC cho biết kết quả đi lên nhờ tổng doanh thu tăng 180%, trong khi tổng chi phí chỉ tăng 22%. Doanh thu tăng phần lớn đến từ đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Lũy kế 6 tháng đầu năm, AseanSC báo lãi sau thuế 56 tỷ đồng, gấp 3,3 lần kết quả cùng kỳ năm trước.

Tại cuối quý II, FVTPL của AseanSC có giá trị thị trường gần 525 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối quý I, và ước lãi 71% so với giá gốc. Danh mục bao gồm chủ yếu là cổ phiếu niêm yết (503 tỷ đồng), trái phiếu niêm yết (21 tỷ đồng).

Các cổ phiếu trong danh mục kể đến ABI, TSJ, VEC, HTM, TCB... AseanSC cũng giữ hơn 7 triệu cp SGP của Cảng Sài Gòn với giá gốc 42 tỷ đồng, và hiện giá thị trường gần 216 tỷ đồng, tương ứng với ước lãi 413%.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) công bố lãi trước thuế quý II đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 192% (gần gấp ba lần) so với cùng kỳ năm trước. Đây đồng thời là kết quả một quý kỷ lục của TCBS.

Trong quý, các mảng đem về doanh thu lớn nhất gồm kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu (868 tỷ đồng), ngân hàng đầu tư (538 tỷ đồng), cho vay margin và ứng trước tiền bán (629 tỷ đồng). Trong khi đó, mảng môi giới ghi nhận 46 tỷ đồng doanh thu, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

TCBS tạm thời là đơn vị báo lãi lớn nhất ngành chứng khoán trong quý II. Năm 2024, công ty này đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 3.700 tỷ đồng. Như vậy, kết quả 6 tháng đầu đã đạt 2.772 tỷ đồng, thực hiện 75% chỉ tiêu năm.

Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đang xếp thứ hai về lợi nhuận tuyệt đối. Báo cáo tài chính riêng quý II của ông lớn này cho thấy doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2.311 và 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,5% và 59% so với cùng kỳ 2023.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, SSI ước tính doanh thu đạt 2.368 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.060 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ước đạt 4.381 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.002 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện lần lượt 54% và 59% kế hoạch 2024.

Tại nhóm giảm lợi nhuận, Chứng khoán BIDV (BSC - Mã: BSI) báo lãi trước thuế quý II thu hẹp 11,7% còn 136,3 tỷ đồng; lãi sau thuế tương ứng đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 7,1%.

Trong quý II, BSC ghi nhận doanh thu hoạt động 424,1 tỷ đồng, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chính vào tăng trưởng của doanh thu là sự gia tăng lãi từ các tài sản tài chính FVTPL, khoản mục này tăng 45,1% lên 175,7 tỷ đồng.

Cùng chiều với doanh thu, chi phí hoạt động quý II cao hơn 125,4% so với cùng kỳ, ghi nhận 208,5 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận 127,7 tỷ đồng, gấp gần 4,3 lần so với quý II/2023. Như vậy, hoạt động tự doanh 48 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Ngoài ra, chiếm 1/3 tổng chi phí là chi phí môi giới chứng khoán với hơn 71,5 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ; chi phí lãi vay ghi nhận 37,9 tỷ đồng, tăng 12,8%.

Chứng khoán VIX (Mã: VIX) công bố kết quả kinh doanh riêng quý II với lãi sau thuế 124 tỷ đồng, thu hẹp 78% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VIX, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhịp điều chỉnh sâu trong tháng 4 và tháng 6, trước nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến danh mục tự doanh (của công ty).

Doanh thu hoạt động quý II gần 379 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ FVTPL chiếm 222 tỷ đồng, giảm 52%. Ngược lại, doanh thu môi giới và lãi từ các khoản cho vay/phải thu gấp 2,2 và 2,4 lần.

Doanh thu giảm nhưng chi phí hoạt động ghi nhận 191 tỷ đồng, trong khi quý II năm trước hoàn nhập 20 tỷ đồng. Lỗ từ FVTPL chiếm 159 tỷ đồng trong chi phí. Hơn nữa, VIX còn phát sinh chi phí lãi vay 20 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng gấp 2,4 lần lên 16 tỷ đồng.

Cũng ghi nhận mức giảm lợi nhuận quý II trên 50% còn có BMSC, CTS, NVS, DSC hay NHSV.

Như tại Chứng khoán Bảo Minh (BMSC - Mã: BMS), công ty ghi nhận doanh thu hoạt động quý II hơn 49 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do FVTPL giảm 83%.

Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động quý II của BMSC giảm 45,1% xuống còn 16,2 tỷ đồng. Trong đó, lỗ FVTPL ghi nhận 10,8 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán 1,7 tỷ đồng, tăng 70%. Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng gấp 7 lần lên 9,1 tỷ đồng.

BMSC báo lãi sau thuế quý II gần 16,5 tỷ đồng, giảm 80,7% so với quý II/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty lãi ròng 32,2 tỷ đồng, giảm 67,2% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện gần một nửa kế hoạch lợi nhuận 2024.

Ở khía cạnh khác, 8 trường hợp báo lỗ trong quý II, gồm CVS, VNSC, Haseco, WSS, Beta, MSGS, ECC và TCVN.

Đang lỗ lớn nhất là Chứng khoán CV (CVS). Công ty báo lỗ sau thuế quý II gần 7,6 tỷ đồng, sâu hơn so với mức lỗ cùng kỳ năm trước là hơn 1,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý II là gần 108 tỷ đồng.

CVS ghi nhận doanh thu hoạt động quý II đạt 2,3 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ HTM chiếm 95,2% doanh thu, đạt 2,16 tỷ đồng, gấp 1,9 so với cùng kỳ.

Ngược chiều doanh thu, CVS ghi nhận chi phí hoạt động gần 6 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Ngoài ra, công ty ghi nhận 3,9 tỷ đồng chi phí quản lý công ty chứng khoán. Các khoản chi phí vượt doanh thu là nguyên nhân đơn vị báo lỗ.

Bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán ghi nhận mặt tích cực khi 4 đơn vị chuyển từ lỗ sang lãi, gồm SBSI, SBBS, IRS và NSI.

Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) công bố kết quả kinh doanh quý II với lãi sau thuế 5,5 tỷ đồng, cải thiện so với lỗ 134 triệu đồng trong quý II/2023. Kể từ quý I/2022 đến nay, đây là quý đầu tiên đơn vị này báo lãi (lỗ 9 quý liên tiếp).

Trong kỳ, doanh thu hoạt động ghi nhận 1,1 tỷ đồng, giảm 25% do doanh thu margin và môi giới đều giảm. Chi phí hoạt động kinh doanh giảm 7% về 1,8 tỷ đồng. Công ty có khoản dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu được hoàn nhập 8,8 tỷ đồng mà SBBS thu hồi được. Đây là khoản mục có tác động xoay chuyển nhất đến kết quả kinh doanh quý II.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý II).

Xem thêm tại vietnambiz.vn