Lợi nhuận nhóm chứng khoán quý 1/2025: Tiền đổ về những "đứa con" của ngân hàng
Mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến gần, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 công ty chứng khoán công bố lợi nhuận quý 1 trong đó hé lộ những khoản lỗ, tụt lùi so với cùng kỳ...
Công ty chứng khoán đầu tiên báo lỗ trong kỳ kinh doanh đầu tiên của năm 2025 là Chứng khoán CV. Báo cáo doanh thu cho thấy tăng mạnh từ 291 triệu đồng năm trước lên 4,1 tỷ đồng năm nay chủ yếu ghi nhận tăng ở khoản mục cho vay. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh lên 7,58 tỷ chủ yếu tăng mạnh ở chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán lên tới 7,57 tỷ đồng. Dẫn đến công ty báo lỗ 6,3 tỷ đồng tương đương với khoản lỗ của cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều công ty chứng khoán khác báo lợi nhuận giảm như chứng khoán NH Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế quý 1 năm 2025 đạt 2,2 tỷ giảm 5,6 tỷ so với cùng kỳ tương đương giảm 71,38% chủ yếu do chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14,9%. Công ty cho biết do đang trong quá trình đầu tư mở rộng xây dựng cơ sở vật chất mới.
Tương tự, Chứng khoán DSE ghi nhận doanh thu hoạt động quý 1 tăng hơn 62 tỷ đồng tương ứng tăng 34%, chủ yếu đến từ doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 17 tỷ đồng tương ứng tăng 53%. Chi phí hoạt động kinh doanh tăng mạnh hơn 86 tỷ tương ứng tăng 173% so với cùng kỳ. Trong đó chủ yếu tăng ở chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay tăng 585%. Do đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 53 tỷ đồng giảm 24,31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán Guotai Junan cũng báo cáo lợi nhuận giảm từ 6,1 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 4,1 tỷ đồng quý 1 năm nay chủ yếu do doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm, chi phí lãi vay dẫn đến hoạt động kinh doanh giảm.
Đối với Chứng khoán HD, phí tư vấn bảo lãnh phát hành giảm mạnh đã khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. HDS chỉ mang về hơn 244 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2024, tác động bởi sự đi xuống của doanh thu bảo lãnh, đại lý phát hành, mà cụ thể khoản thu từ phí dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu chỉ còn hơn 15 tỷ đồng, giảm đến 97% so với mức nền cao cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Chứng khoán MBS là công ty đầu tiên trong top 10 thị phần công bố báo cáo tài chính. Quý 1 năm nay, lợi nhuận của Công ty đạt 269 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ dù doanh thu hoạt động gần như đi ngang. Chi phí giảm là động lực thúc đẩy lợi nhuận MBS quý 1 năm nay.
Cùng ở nhóm tăng lợi nhuận, Chứng khoán Kafi báo lãi quý 1 tăng 175%, đạt gần 73 tỷ đồng. Nguồn thu tăng mạnh đã tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận cho Kafi. Trong quý 1, Công ty có doanh thu hoạt động gần 380 tỷ đồng, tăng gần 170%.
Chứng khoán TCBS cũng báo lợi nhuận sau thuế tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1.011 tỷ đồng nhờ doanh thu hoạt động tăng 334 tỷ tương ứng tăng 20%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cho vay ký quỹ, và hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 24 tỷ đồng.
Có thể thấy điểm chung của các công ty chứng khoán báo lãi chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, đẩy mạnh tăng vốn trong giai đoạn vừa qua. Trước đó, các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn trong giai đoạn 2021 – 2024, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ về quy mô vốn của nhóm công ty chứng khoán thuộc sở hữu của các ngân hàng như ACBS, VPBankS, KAFI, TCBS, LPBS. Hiện tại, nhóm các công ty này (ngoại trừ TCBS) chưa có các hoạt động tích cực trong mảng môi giới và cho vay kí quỹ với kết quả kinh doanh ở các mảng này còn khá khiêm tốn.
Tuy nhiên với lợi thế cạnh tranh về nguồn lực, quy mô vốn cùng với tệp khách hàng khai thác chéo từ ngân hàng, nhóm các công ty này sẽ tạo sức ép cạnh tranh thị phần không nhỏ lên toàn ngành khi tập trung kinh doanh các mảng chính. Các tác động có thể xảy ra đối với toàn ngành bao gồm: Cạnh tranh về phí, các công ty đẩy mạnh các chính sách miễn giảm phí giao dịch để giữ thị phần, qua đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận mảng môi giới; Giảm lãi suất cho vay kí quỹ.
Thực tế cho thấy, hầu hết các công ty chứng khoán nhỏ thua lỗ, lợi nhuận thụt lùi đều ghi nhận sự sụt giảm ở mảng môi giới và gánh nặng các khoản lãi vay để thực hiện mục đích cho vay margin - vốn không thể có lợi thế lớn như những "đứa con của ngân hàng".
Xem thêm tại vneconomy.vn