Lợi nhuận quý IV của Đạm Cà Mau chỉ bằng 3/4 cùng kỳ năm ngoái

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2024 và Hội nghị Người lao động năm 2025 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM), lãnh đạo doanh nghiệp thông tin tổng doanh thu năm nay ước đạt 13.661 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 1.270 tỷ; tăng lần lượt hơn 5% và 1% so với năm 2023.

Tính riêng quý IV, doanh thu Đạm Cà Mau ước đạt 4.106 tỷ đồng, lãi trước thuế 141 tỷ đồng; tăng 17% về doanh thu song giảm 74% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Wichart.

Năm qua, công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai tại tỉnh Bình Định (quy mô 3 ha, vốn đầu tư 120 tỷ đồng); M&A thành công Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF).

Phân bón Cà Mau sở hữu Nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm và Nhà máy NPK Hàn - Việt với công suất 360.000 tấn/năm.

Sau khi sáp nhập KVF, năng lực sản xuất phân bón NPK của Đạm Cà Mau tăng 120% từ 300.000 tấn/năm lên mức 660.000 tấn/năm.

Còn nhà máy thứ hai của Phân bón Cà Mau dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025, có chức năng sản xuất, phối trộn các loại phân bón cao cấp như NPK+TE công suất 50.000 tấn/năm; đóng gói thành phẩm 50.000 tấn/năm các loại phân bón khác cũng như lưu trữ, kinh doanh phân bón/nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm. 

Đạm Cà Mau sở hữu các sản phẩm chủ lực gồm phân urê hạt đục, NPK, N46 plus, Ure Bio,... Doanh nghiệp gia nhập thị trường NPK 4 năm trở lại đây và ghi nhận tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ năm 2022 là 123%, năm 2023 tăng trưởng 63% và năm 2024 dự kiến tăng trưởng 23%. Hiện nay doanh nghiệp là nhà sản xuất và tiêu thụ NPK lớn nhất Việt Nam. 

 Nhà máy của Đạm Cà Mau. (Ảnh: Đạm Cà Mau).

Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT – VAT) sửa đổi, theo đó kể từ ngày 1/7/2025, phân bón chính thức trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra với thuế suất 5%.

Các đơn vị đánh giá việc áp thuế GTGT cho phân bón sẽ hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và tạo điều kiện giảm giá bán. 

Chứng khoán MBS cho rằng các doanh nghiệp sản xuất phân đơn (ure, lân) và phân DAP như Đạm Cà Mau sẽ hưởng lợi từ thay đổi này do được hoàn thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân NPK gần như không hưởng lợi do các nguyên liệu đầu vào chính là phân đơn, và việc áp thuế GTGT cho phân bón có khá ít ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Trước bối cảnh công suất trong nước đã chững lại và giá phân bón không có nhiều động lực tăng rõ ràng trong năm tới, đơn vị phân tích này cho rằng việc áp thuế VAT đầu ra này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025

Xem thêm tại vietnambiz.vn