Lợi nhuận Vinatex tăng trưởng 37%
Thị trường dệt may thế giới có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm khi các ngân hàng trung ương lớn phát đi tín hiệu cắt giảm lãi suất và việc làm, thu nhập người dân có sự cải thiện. Tổng cầu dệt may thế giới ước khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với nǎm 2022.
Ngành Dệt may Việt Nam cũng đứng trước cơ hội quay trở lại vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới với kim ngạch khoảng 44 tỷ USD trong năm 2024. Tuy nhiên vấn đề về hạn chế hạ tầng logistics, thiếu hụt và cạnh tranh lao động đang gây ra nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) cho biết có nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả cải thiện rõ rệt từ quý III, không đơn vị nào lỗ trong năm 2024. Ngành sợi giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến sản xuất chưa có hiệu quả.
Doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm ngoái. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước 740 tỷ đồng, bằng 137,5% cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 10,1 triệu đồng, tăng 7% so với năm 2023.
Năm nay, tập đoàn dệt may đặt mục tiêu doanh thu 17.900 tỷ đồng và có lãi trước thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, đơn vị kinh tế nhà nước này hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và vượt 35% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Vinatex nhận định thách thức của năm 2025 cũng sẽ không ít hơn các năm vừa qua. Kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, sự phục hồi trở lại của các đối thủ cạnh tranh sau một năm bất ổn sẽ đưa nguồn cung trở lại rất lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là những điểm sáng trước đà phục hồi mạnh mẽ của các đơn hàng, Vinatex đặt mục tiêu phấn đấu tăng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với năm 2024.
Ngành sợi Vinatex tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công tác thị trường và mua nguyên liệu. Nghiên cứu thị trường chuyên sâu (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh) và thị trường nguyên liệu để dự báo.
Xem thêm tại vietnambiz.vn