Huy động vốn để theo đuổi dự án mục tiêu
Ngày 4/10/2024, Hội đồng quản trị Long Sơn PIC thông qua việc tiếp tục triển khai hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo kế hoạch ban đầu, Long Sơn PIC dự kiến chào bán hơn 93,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex (công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex), qua đó nâng vốn điều lệ từ 827,2 tỷ đồng lên hơn 1.761 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu của Hạ tầng Gelex sẽ tăng từ 25,52% lên 65%).
Thực tế, kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được Long Sơn PIC thông qua từ năm 2020, với số lượng cổ phiếu phân phối cho Hạ tầng Gelex là 65 triệu đơn vị trong tổng số 82,5 triệu cổ phiếu dự kiến chào bán. Năm 2021, phương án có sự thay đổi khi số lượng chào bán tăng lên 93,4 triệu cổ phiếu, phân phối toàn bộ cho Hạ tầng Gelex. Đại hội đồng cổ đông thường niên các năm 2021, 2022, 2023 và 2024 của Long Sơn PIC đều thông qua phương án này, nhằm huy động hơn 934 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhìn lại lịch sử hoạt động, Long Sơn PIC có tên cũ là Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí IDICO Long Sơn, được thành lập năm 2007 với mục đích trở thành chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, diện tích 1.250 ha tại TP. Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý loại dự án Nhà máy Lọc dầu số 3 - hạng mục chính của Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn - ra khỏi Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Ngay sau đó, Long Sơn PIC đã làm việc với các sở, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tính chất, chức năng Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn phù hợp với định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể là loại hình công nghiệp cao, dịch vụ dầu khí, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo (đóng tàu thuyền, cấu kiện dầu khí…), logistics, hoá chất (để gắn liền với ngành hoá dầu).
Đến năm 2019, dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tính chất, cơ cấu ngành nghề.
Ngày 26/7/2023, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 24/4/2024, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Long Sơn PIC tập trung làm việc với các sở, ngành và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện, hoàn thiện các thủ tục theo quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, điều chỉnh dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.
Hiện tại, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt, trong đó xác định Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn là dự án trọng điểm giai đoạn 2024 - 2030. Mặc dù vậy, quá trình triển khai đầu tư dự án phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch triển khai nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tiến độ, phạm vi sử dụng đất, quy hoạch phân khu, phương án kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Lê Công Trung, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Long Sơn PIC chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, việc điều chỉnh dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy trình thực hiện mất nhiều thời gian vì phụ thuộc vào việc đóng góp ý kiến của nhiều bộ, ngành Trung ương.
Liên quan đến kế hoạch tăng vốn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Long Sơn PIC tiếp tục triển khai dự án Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn với vai trò là chủ đầu tư. Dự kiến, tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 cho dự án là 11.759 tỷ đồng, Công ty buộc phải tăng vốn để đảm bảo quy định vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án.
“Kém duyên” với hoạt động đầu tư
Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 6/2024, Long Sơn PIC chỉ đạt tổng cộng 1,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tỷ lệ ROE và ROA chưa được 0,1%/năm.
Không chỉ lỡ dở với Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, việc kinh doanh bất động sản của Long Sơn PIC cũng không suôn sẻ.
Tại dự án Chung cư Huỳnh Tấn Phát (Long Sơn Building), Quận 7, TP.HCM, tổng mức đầu tư 576,6 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 129 tỷ đồng, Long Sơn PIC đã tham gia góp 85% trong tổng vốn chủ và giữ vai trò nhà điều hành dự án. Trong hai đối tác tham gia đóng góp 15% còn lại có Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông, mức đóng góp 5% nhưng lại là chủ đầu tư dự án. Dự án này đã được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 4/2019.
Do gặp khó khăn tài chính, Khang Thông không đóng tiền sử dụng đất, không đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ chối các nghĩa vụ chủ đầu tư đối với các thủ tục pháp lý khác của dự án Long Sơn Building. Long Sơn PIC đang khởi kiện Khang Thông về thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án, làm cơ sở cấp xin giấy chủ quyền cho 180 căn hộ và hơn 5.500 m2 sàn trung tâm thương mại.
Ban lãnh đạo Long Sơn PIC cho biết, do thời gian thực hiện dự án Long Sơn Building đã hơn 14 năm (kế hoạch ban đầu là hơn 3 năm), dẫn đến tăng chi phí xây dựng, chi phí vốn, sản phẩm dự án còn tồn đọng… khiến dự án không hiệu quả. Tính đến cuối tháng 6/2024, Công ty có 373,2 tỷ đồng hàng tồn kho tại dự án này, chiếm 43% tổng tài sản.
Đối với dự án Khu dân cư Thương mại Tương Bình Hiệp ở Bình Dương, Long Sơn Building tham gia góp 48,82%, chiếm 33% vốn chủ sở hữu của dự án (146 tỷ đồng). Công ty đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Vạn Khởi Thành. Tuy nhiên, các vướng mắc sau hơn 12 năm chưa được giải quyết, nên để hạn chế rủi ro trong trường hợp dự án bị thu hồi, Long Sơn PIC đã quyết định thoái vốn tại dự án này, hiện đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần vốn góp.
Để củng cố hồ sơ chuyển nhượng phần vốn góp, Long Sơn PIC đã nhiều lần yêu cầu Vạn Khởi Thành cung cấp bản sao y hồ sơ pháp lý của dự án Khu dân cư Thương mại Tương Bình Hiệp, nhưng không được đáp ứng, nên tiến hành các thủ tục khởi kiện. Tính đến ngày 30/6/2024, Long Sơn PIC còn 42,8 tỷ đồng phải thu từ Vạn Khởi Thành.
Ngoài ra, Long Sơn PIC có 162,5 tỷ đồng là các khoản phải thu khác, chủ yếu đến từ việc góp vốn đầu tư phát triển dự án nhưng không mang lại hiệu quả. Trong đó, có 69 tỷ đồng phải thu Công ty cổ phần Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An, 15 tỷ đồng phải thu từ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc.
Long Sơn PIC còn phải trích lập dự phòng toàn bộ 6,6 tỷ đồng phải thu từ Công ty TNHH Nam Long góp vốn đầu tư vào dự án Khu dân cư Nam Long (Long An); trích lập toàn bộ hơn 1,2 tỷ đồng cho khoản phải thu của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc để phát triển dự án Khách sạn Dầu khí Kinh Bắc. Các dự án này hiện đã ngừng triển khai.
Hoạt động đầu tư tài chính trong nhiều năm qua của Long Sơn PIC cũng không mang lại hiệu quả. Các đơn vị tham gia góp vốn đều thua lỗ, âm vốn điều lệ, hoặc gần như dừng hoạt động, dẫn đến cuối quý II/2024, Công ty phải trích lập dự phòng 113,3 tỷ đồng, bằng một nửa giá trị vốn góp ban đầu. Kế hoạch trong năm nay của Long Sơn PIC là triển khai thoái vốn tại PVC-Bình Sơn, PVC-SG, PVC-Metal, PVC-Kinh Bắc, Công ty cổ phần Khách sạn Lam Kinh.
Với việc phải tăng chi phí dự phòng cho nhiều khoản công nợ phải thu khó đòi, trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Long Sơn PIC chỉ đạt 532 triệu đồng, ROE và ROA vỏn vẹn 0,06%.
Trong nửa đầu năm 2024, Công ty ghi nhận gần 5,8 tỷ đồng doanh thu và 470 triệu đồng lợi nhuận sau thuế (kế hoạch cả năm là đạt doanh thu hơn 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,87 tỷ đồng).