Áp lực chốt lời ngắn hạn
Sau tuần hồi phục mạnh từ vùng đáy 1.070 điểm, VN-Index bước vào tuần giao dịch vừa qua với diễn biến giằng co rõ nét khi nhiều vị thế ngắn hạn bắt đầu có lãi và áp lực chốt lời xuất hiện. Chỉ số tạm chững quanh mốc 1.250 điểm và điều chỉnh để kiểm định áp lực cung - cầu. Tuy nhiên, tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm, lực bán suy yếu rõ rệt, tạo điều kiện cho thị trường phục hồi trong 2 phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.220 điểm, giảm nhẹ so với cuối tuần trước đó.
Về diễn biến theo nhóm ngành, phần lớn cổ phiếu có diễn biến giằng co, nhưng đã kịp lấy lại sắc xanh vào cuối tuần. Nổi bật là nhóm công nghệ thông tin, với cổ phiếu FPT tăng tốt và ghi nhận lực mua ròng trở lại từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhóm bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng và hàng không có tín hiệu tích cực. Ở chiều ngược lại, nhóm Vingroup gồm VIC và VHM suy yếu đáng kể trong phiên cuối tuần. Cùng với đó là diễn biến kém khả quan của nhóm bất động sản khu công nghiệp, khiến chỉ số ngành giảm nhẹ.
Về hoạt động của khối ngoại, khối này bán ròng gần 5.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận hơn 4.100 tỷ đồng tại cổ phiếu VIC. Một số mã khác bị bán ròng mạnh gồm HCM, GMD, VNM, SSI. Ngược lại, lực mua tập trung vào các mã HPG, MWG, ACB, VHM, HVN và MBB.
![]() |
Thị trường hiện vẫn trong giai đoạn điều chỉnh và thăm dò cung - cầu sau nhịp bật tăng từ vùng đáy. Tín hiệu hạ nhiệt của lực bán tại vùng 1.200 điểm cho thấy khả năng phục hồi vẫn còn, với mục tiêu gần nhất quanh 1.250 điểm, tiệm cận đường MA200. Tuy vậy, rủi ro rung lắc vẫn hiện hữu khi áp lực chốt lời có thể quay trở lại.
Lựa chọn cổ phiếu cho đợt cơ cấu
Thuế quan từ Mỹ hiện tại vẫn là một chủ đề nóng trên thị trường, khi các chính sách cuối cùng chưa được ấn định. Tính đến giữa tháng 4/2025, chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ đã có những bước triển khai cụ thể, với mức thuế từ 10 - 46% dự kiến áp lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá chi tiết của chúng tôi, ngành hạ tầng và vật liệu xây dựng chỉ chịu tác động gián tiếp và hạn chế từ chính sách này.
Đặc thù các doanh nghiệp hạ tầng (HHV, CII, VCG) và vật liệu xây dựng (HPG, BMP, NTP, KSB, DHA) chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, hưởng lợi từ nhu cầu phát triển hạ tầng trong nước và chính sách đầu tư công mở rộng. Các mặt hàng vật liệu cơ bản như ống nhựa, đá xây dựng, xi măng, thép xây dựng… không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế nhập khẩu vào Mỹ. Thị phần xuất khẩu của nhóm này (nếu có) cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu.
Tất nhiên ngoài các điểm mạnh của ngành, cũng có một số yếu tố gián tiếp cần lưu ý. Một là, tác động lan tỏa từ nền kinh tế. Nếu GDP Việt Nam chịu áp lực giảm tốc do các ngành xuất khẩu lớn như dệt may, điện tử, thủy sản bị ảnh hưởng, nhu cầu xây dựng dân dụng và nhà xưởng có thể chậm lại. Hai là, lãi suất và tín dụng. Nếu môi trường vĩ mô xấu đi, khả năng huy động vốn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn sẽ gặp khó khăn. Ba là, chi phí nguyên vật liệu. Biến động tỷ giá và giá nguyên liệu nhập khẩu (dầu, than, thép phôi) có thể làm tăng chi phí đầu vào cho ngành vật liệu.
Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu có quỹ đất hoặc mỏ vật liệu sẵn có, ít phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu (KSB, DHA), hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công (HHV, VCG), hoặc có giá trị hợp đồng đã ký lớn và dòng tiền kinh doanh lành mạnh.
Trong ngắn hạn, định giá của nhóm này nhìn chung vẫn hấp dẫn, đặc biệt khi đầu tư công đang là một trong những động lực chính kéo tăng trưởng kinh tế nội địa. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư hiện tại vẫn cần cẩn trọng với các doanh nghiệp vay nợ lớn, hoặc các doanh nghiệp vật liệu có biên lợi nhuận thấp, dễ bị ảnh hưởng khi chi phí đầu vào biến động.