Luật hóa xử lý nợ xấu: Gỡ khó cho khối tiền trăm nghìn tỷ bất động
Hàng nghìn tỷ ‘bất động’ khi Nghị quyết 42 kết thúc
Dù lạc quan về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, kiểm soát nợ xấu vẫn là ưu tiên lớn của các ngân hàng trong năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý nợ xấu gặp nhiều thách thức do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, khiến các ngân hàng tiếp tục đề xuất luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, việc xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thời gian thu hồi nợ bị kéo dài do một số biện pháp, giải pháp xử lý nợ xấu không còn cơ sở pháp lý để áp dụng.
Cụ thể, MB cho biết, tính đến tháng 3/2024, quy mô tài sản bảo đảm gắn với các khoản nợ xấu thuộc phạm vi Nghị quyết 42 là khoảng 8.900 tỷ đồng. Thời gian thu hồi nợ tăng hơn 27% so với những năm trước do MB không được thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và cần thêm thời gian để thỏa thuận, thuyết phục khách hàng, bên thế chấp bàn giao tài sản bảo đảm và thủ tục tố tụng, thi hành án bị kéo dài. Do đó, thời gian thu hồi nợ bình quân năm 2024 của MB là 7,53 tháng trong khi thời gian thu hồi nợ bình quân năm 2023 là 5,93 tháng.
Không chỉ vậy, chi phí thu hồi nợ cũng tăng tới 22% so với trước đây do khách hàng không hợp tác và MB phải áp dụng thêm nhiều giải pháp xử lý nợ khác như khởi kiện, thi hành án,… Trong năm 2024, MB đã thực hiện nộp đơn khởi kiện 960 vụ việc, tăng gần 2,8 lần so với năm 2022 và 2,4 lần so với năm 2023.

Techcombank cũng cho biết, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ngân hàng gặp không ít vướng mắc trong xử lý nợ xấu do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Một trong những bất cập lớn nhất là sự chậm trễ trong triển khai thủ tục thi hành án, gây cản trở quá trình xử lý tài sản đảm bảo.
Tính đến 31/3/2024, Techcombank có 98 tài sản có giá trị lớn khoảng từ 2,5 tỷ đến 20 tỷ đồng (tổng giá trị khoảng 649 tỷ đồng) đã có Quyết định thi hành án từ 90 ngày đến hơn 2000 ngày nhưng chưa được kê biên. Cùng kỳ, Techcombank có 5 tài sản với tổng giá trị khoảng 4,4 tỷ đồng đã gửi văn bản nhận cấn trừ nhưng chưa được bàn giao. Thời gian nhận bàn giao của những tài sản này là từ 2 năm đến gần 5 năm.
Ngoài ra, Techcombank có 7 tài sản (tổng giá trị bán đấu giá 10 tỷ đồng) đã bán đấu giá nhưng chưa nhận tiền bán đấu giá do chưa bàn giao được tài sản cho người trúng đấu giá. Thời gian chậm bàn giao từ 6 tháng đến hơn 3 năm.
“Công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự tại một số nơi, một số thời điểm còn chậm trễ, hoặc thiếu sự phối hợp giữa các bên, dẫn tới nhiều trường hợp chậm triển khai thủ tục thi hành án, thậm chí thời gian triển khai thủ tục kéo dài, làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả xử lý nợ xấu của Techcombank”, phía ngân hàng cho hay.
Hay như TPBank, ngân hàng này cho biết, do hiệu ứng của Nghị quyết 42 hết hiệu lực nên đa số khách hàng/bên bảo đảm có nợ quá hạn không hợp tác trả nợ.
Thậm chí, còn xảy ra tình trạng khách hàng không đồng thuận, thiện chí bàn giao tài sản, có phản ứng gay gắt đối với việc tctd thu giữ tài sản và gửi đơn tố giác cán bộ ngân hàng thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản” đến cơ quan có thẩm quyền. Vụ việc sau đó đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
“Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ ngân hàng khi tác nghiệp trong trường hợp này cũng gặp khó khăn nhất định, do cơ sở pháp lý chưa thực sự rõ ràng”, TPBank cho hay.
Đồng quan điểm, ACB cho hay, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nhiều cơ quan địa phương đã từ chối tham gia vào việc thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD với lý do cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương hỗ trợ thu giữ không còn. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp chủ tài sản chống đối rất quyết liệt, không đồng ý bàn giao tài sản vì cho rằng việc thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD không minh bạch, không đúng quy định pháp luật do không có sự chứng kiến, xác nhận của chính quyền địa phương.
Hệ quả là việc thu giữ tài sản bảo đảm không thành công hoặc phát sinh khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm, khiến cho quá trình xử lý nợ xấu kéo dài.
Luật hóa Nghị quyết 42
NHNN mới đây vừa công bố Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng để luật hoá một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Bản dự thảo dự kiến sẽ được trình và có thể được thông qua tại kỳ họp Quốc Hội vào tháng 5/2025.
Theo NHNN, không giống như giao dịch dân sự thông thường, hoạt động ngân hàng được vận hành theo phương thức đi vay (nhận tiền gửi của người gửi tiền) để cho (doanh nghiệp, người dân) vay.
“Do vậy, ngân hàng chịu áp lực về thời gian cũng như chi phí để hoàn trả người gửi tiền khi được yêu cầu. Nếu áp dụng các quy định chung như đối với giao dịch vay dân sự (khởi kiện và chờ thi hành bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền) hoặc không có quy định đặc thù riêng, quyền lợi của ngân hàng sẽ không được bảo vệ thích đáng, dẫn đến một mặt, ngân hàng không có khả năng hoàn trả tiền gửi cho người gửi tiền khi được yêu cầu, làm phát sinh các khủng hoảng tài chính theo hiệu ứng domino”, NHNN nhấn mạnh.
Mặt khác, ngân hàng không có xu hướng, động lực cho vay, dẫn đến vốn của ngân hàng không được xoay vòng, không tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng cho nền kinh tế, khiến doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận vốn vay hoặc tiếp cận vốn vay với chi phí cao.

NHNN cho biết, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ và giảm chi phí xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu, từ đó góp phần giảm chi phí các khoản cấp tín dụng, hạ lãi suất, tăng cường khả năng quay vòng vốn và tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp; tránh để phát sinh và bùng phát tình trạng người dân, doanh nghiệp tiếp cận “tín dụng đen”.
Theo đó, ba chính sách liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm tại Nghị quyết số 42 được đề xuất luật hóa theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD bao gồm:
Một là, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, NHNN kiến nghị trao quyền cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp khách hàng vay không thanh toán được nợ, với điều kiện hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về quyền này.
Hai là, về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Ba là, về vấn đề hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, NHNN yêu cầu cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng về hoàn trả tài sản bị thu giữ liên quan đến các vụ án hình sự hoặc hành chính.
Tuy nhiên, MB kiến nghị việc Luật hóa Nghị quyết 42 phải đi cùng với sự điều chỉnh đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan.
“Nếu Luật hóa Nghị quyết 42 mà không điều chỉnh kịp thời các quy định pháp luật khác có liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự… thì có thể gây mâu thuẫn, khó áp dụng trên thực tế.
Đồng thời, mặc dù thị trường mua bán nợ xấu sẽ phát triển nếu có quy định pháp luật rõ ràng nhưng cũng có thể xuất hiện những nhà đầu tư lợi dụng kẻ hở pháp luật để đầu cơ, thao túng giá trị nợ xấu, gây ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng và khách hàng vay, bên đảm bảo”, phía MB cho biết.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn