Lực đẩy cho doanh nghiệp “chạy nước rút” cuối năm

Nhiều tín hiệu tích cực cho tăng trưởng

Những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức 8,6% của năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Với kết quả chung toàn ngành, nhiều doanh nghiệp cũng đang trong tâm thế đầy phấn khởi để bước vào giai đoạn kinh doanh cuối năm.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME):

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Bức tranh kinh tế chung hiện có hai mảng sáng - tối đan xen. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế có độ mở lớn, dễ chịu tác động vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bối cảnh trên đã tác động lớn đến tâm lý của người làm kinh doanh.

Các chính sách được ban hành trong thời gian qua đã có định hướng đúng đắn. Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra chủ trương, giải pháp ứng phó kịp thời, nhạy bén, trong đó có một loạt chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất hiện đã "ngấm" vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence:

Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ, điều này làm tăng thêm sự lạc quan rằng Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước. Vấn đề chính đối với các doanh nghiệp hiện nay là theo kịp nhu cầu.

Trong khi sản xuất được đẩy mạnh, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các yêu cầu đặt hàng mới, từ đó khiến hàng tồn kho gần như giảm với mức mạnh nhất từng được ghi nhận. Do đó, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ cần tìm cách tăng nhanh hơn lực lượng lao động và tiếp tục đảm bảo mua được nguyên liệu bổ sung nếu xu hướng hiện tại của các đơn đặt hàng mới được duy trì trong những tháng tới.

Với lĩnh vực dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may hiện đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024. Vị này còn lạc quan nhấn mạnh, với mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023, trong đó kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ tốt hơn kỳ vọng nhờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi.

Hơn nữa, bối cảnh quốc tế cũng có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Bangladesh là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may, nhưng tình trạng bất ổn chính trị tại nước này đang diễn ra ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, xuất khẩu, tạo cơ hội cho Việt Nam khi nhiều khách hàng phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hàng loạt thông tin đầu tư từ đầu năm cho đến các chính sách hỗ trợ đã tạo nền tảng cho các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (Anmi Tools) hồ hởi chia sẻ, hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm đều tăng trưởng tốt, qua đó tiến tới kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cả năm 2024 có thể lên tới 35% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu từ các hoạt động xuất khẩu cũng tăng trưởng bền vững.

Để có được kết quả này, ông Phong cho biết, không chỉ nhờ tận dụng tốt cơ hội từ nền kinh tế mà nhà máy đã liên tục cập nhật theo xu thế công nghệ mới, hiện đại, đầu tư dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến như Đức, Thuỵ Sỹ… để gia tăng điều kiện tham gia vào các chuỗi cung ứng của các đối tác, tập đoàn đa quốc gia. Với nền tảng này, Anmi Tools kỳ vọng sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, nhất là các khách hàng lớn là nhà đầu tư nước ngoài nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng và phát triển trung tâm sản xuất tại các thị trường trong khối ASEAN vào năm 2025.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp công nghiệp ngành vật liệu xây dựng, những động thái của Chính phủ về tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng… cũng như quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tạo tiền đề phát triển mạnh hơn trong năm sau.

Theo một báo cáo mới đây từ Chứng khoán SSI, tổng lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 thuộc về cổ đông công ty mẹ của hơn 1.100 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tính đến 7/8, tăng 19,2% so với cùng kỳ và tăng 7,5% so với quý gần nhất, đưa mặt bằng lợi nhuận lên mức cao nhất 9 quý và gần về mức đỉnh của quý 1/2022. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt ở nhóm ngành phi tài chính. Vì thế, nhiều dự báo nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý 3/2024 và cả năm 2024 sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều bước tăng mạnh.

Phát huy những trợ lực cho doanh nghiệp

Mặc dù kết quả nêu trên mang đến nhiều lạc quan nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn từ những rào cản liên quan đến thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh đến những khó khăn từ thị trường, biến động kinh tế - chính trị tại nhiều quốc gia còn khó lường.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về tài chính khi chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán đầu ra không tăng. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng có phục hồi và quay trở lại trong thời gian gần đây nhưng chậm và có một số thay đổi khi đơn hàng ngắn hơn trước, chỉ cho vài quý, chủ hàng yêu cầu không tăng giá. Điều này làm cho biên lợi nhuận của một số ngành bị co hẹp.

Vì thế, theo các chuyên gia, trợ lực cho doanh nghiệp tăng trưởng những tháng cuối năm cần đến từ các giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân, trong đó cần tiếp tục phát huy những chính sách đã và đang phát huy tác dụng tích cực trong thời gian qua. Điều đáng mừng là hàng loạt chính sách tài khoá đến nay được thực hiện và được các doanh nghiệp đánh giá cao, trong đó việc miễn giảm thuế, phí đã giúp doanh nghiệp thêm chi phí cho kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng. Các ngân hàng cũng đang nỗ lực để giảm lãi suất cho vay, đẩy dòng tín dụng ra nền kinh tế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh. Nhiều hoạt động về kết nối cung - cầu, phát triển thương mại điện tử, thúc đầy đầu tư công... tiếp tục được quan tâm triển khai mạnh mẽ.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, các doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ về các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, cũng như tăng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị các giải pháp thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh cũng như cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp tục tận dụng cơ hội từ những động lực mới đến từ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn