Lùm xùm ‘đòi cát’ khiến hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam rơi vào cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’

Thực hư chuyện doanh nghiệp “đòi cát” khiến hàng loạt dự án bị ảnh hưởng

Theo báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải phục vụ cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay tại gói thầu A1-1 thuộc đoạn phía tây cao tốc Bến Lức - Long Thành có sự cản trở của một đơn vị cung cấp cát.

Lý do, trước đây nhà thầu A1 cũ là Công ty Halla Copration - CTCP Vinaconex E&C có hợp đồng với CTCP Vicomex (nhà thầu phụ) thi công. CTCP Vicomex đã mua cát của nhà cung cấp (được tư vấn chấp thuận) là Công ty TNHH kinh doanh và xây dựng Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh).

Công ty Hoàng Anh mua cát của Công ty TNHH Thảo Lan Việt Nam (Công ty Thảo Lan) đưa vào công trình. Tháng 7/2017, do công nợ của hai bên chưa được xử lý, Công ty Thảo Lan đã cản trở nhà thầu A1 thi công đoạn tuyến nói trên.

Theo VEC, nhà thầu A1 đã khởi kiện Công ty Thảo Lan. Ngày 29/8/2018, TAND quận 7 có quyết định 23 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: cấm Công ty Thảo Lan, cá nhân ông Phạm Văn Thảo - giám đốc - và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện hành vi ngăn cản nhà thầu thi công gói thầu A1.

Lùm xùm ‘đòi cát’ khiến hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam rơi vào cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’
Cao tốc Bến Lức - Long Thành

Điểm tên các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lùm xùm “đòi cát”

Hiện tại, đoạn đường 700m thuộc gói thầu ở cao tốc Bến Lức - Long Thành, nơi mà Công ty TNHH Thảo Lan Việt Nam (Công ty Thảo Lan) đòi đào cát chở về, vẫn chưa được triển khai thi công. Trong khi đó, ở khu vực xung quanh công trường thi công nhộn nhịp, các trụ cầu đã mọc lên.

Đi dọc đoạn tuyến dài 700m, Công ty Thảo Lan đặt rất nhiều biển ghi: "Chúng tôi không cản trở thi công. Chúng tôi chỉ bảo vệ cát của mình”.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành những năm qua đình trệ, tạm ngưng kéo dài do vướng các cơ chế. Đến năm 2022, VEC chấm dứt hợp đồng gói thầu A1 khi khối lượng gói thầu A1 đạt 81,24%.

Chủ đầu tư đấu thầu, chọn nhà thầu mới để làm khối lượng còn lại với tên mới là gói thầu A1-1. Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam trúng thầu gói A1-1 và đã triển khai thi công cuối tháng 11/2023.

Với thời hạn hợp đồng 10 tháng, các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ triển khai tất cả các hạng mục để cơ bản hoàn thành trong tháng 6/2024.

Theo biên bản làm việc của UBND xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An lập ngày 2/2, khi nhà thầu gói A1-1 đưa nhân lực, máy móc đến đoạn tuyến 700m nêu trên thì có sự cản trở của Công ty Thảo Lan. Vì vậy, nhà thầu ngừng triển khai đoạn tuyến này và chỉ thi công khi có mặt bằng sạch.

Khu vực bị “đòi cát” chính là nút giao giữa ba tuyến đường: cao tốc TP. HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 TP. HCM.

Lùm xùm ‘đòi cát’ khiến hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam rơi vào cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’
Ảnh minh hoạ

Trên thực tế, ở đoạn 700m mà Công ty Thảo Lan đòi chở cát về là vị trí tiếp giáp, chồng lấn ranh giữa gói thầu của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua tỉnh Long An.

Vì thế, nếu không giải quyết dứt điểm để có mặt bằng sạch thi công, tiến độ các gói thầu của cả hai dự án cũng bị ảnh hưởng.

>> 'Đất vàng' 37.000m2 tại Quảng Ngãi ráo riết tìm chủ đầu tư

Xem thêm tại nguoiquansat.vn