Lý do 16 dự án trọng điểm tại Thanh Hoá ì ạch

Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, Thanh Hoá hiện có 23 dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn, trọng điểm đang triển khai rà soát hiện nay có tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng. Trong đó, có 7 dự án khởi công trước năm 2021, với tổng mức đầu tư là 25.681 tỷ đồng và 16 dự án đã khởi công giai đoạn 2021-2024 với tổng mức đầu tư 48.527 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 1 dự án đã đi vào vận hành khai thác tháng 11/2023 là khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại xã Thạch Tượng và xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành do Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư với số kinh phí 654 tỷ đồng.

Trong 22 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, chỉ có 6 dự án bảo đảm tiến độ. Trong đó, Nhà máy xi măng Đại Dương tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial tại Khu B, Khu công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn hiện đang chạy thử để hiệu chỉnh máy móc vận hành chính thức. Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn - giai đoạn 2 đã được bàn giao đất, đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án. Nhà máy dệt may tại cụm công nghiệp Thái Thắng (Hoằng Hóa) cơ bản xây dựng xong các công trình nhà xưởng; nhà máy gia công sản xuất giày dép xuất khẩu tại cụm công nghiệp Vạn Hà (Thiệu Hóa) đã hoàn thành xây dựng 2 xưởng, 2 xưởng còn lại đang xây dựng với giá trị ước đạt 90% tổng khối lượng. Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) đang triển khai xây dựng giá trị ước đạt 83% tổng khối lượng.

Còn lại 16 dự án quy mô lớn, trọng điểm khác tỉnh này đang bị chậm tiến độ so với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó có nhiều dự án từng được đặt kỳ vọng lớn ở các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp tới thương mại, du lịch, dịch vụ như: Nhà máy Intco Medical Việt Nam tại Bắc Khu A, Khu công nghiệp Bỉm Sơn, với vốn đầu tư 2.796 tỷ đồng; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương) với số vốn 6.849 tỷ đồng, Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) với số vốn 3.000 tỷ đồng, Cảng tổng hợp Long Sơn với số vốn 2.300 tỷ đồng, Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống và huyện Như Thanh với số vốn 3.800 tỷ đồng...

Tại kỳ họp, các đại biểu đã chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá về nhiều dự án chậm với nguyên nhân do chậm giải phóng mặt bằng như xác định nguồn gốc đất, xây dựng nhà ở tái định cư… tuy nhiên cần phải làm rõ thực trạng nguyên nhân, trách nhiệm, tính khả thi, trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Trả lời các đại biểu, ông Lê Minh Nghĩa cho rằng trong thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư xin điều chỉnh kéo dài dự án.

Tuy nhiên, ở đây chỉ kéo dài thời gian khi có lý do và chỉ chấp nhận lý do khách quan như năm 2021 - 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 mới được điều chỉnh. Đối với những trường hợp điều chỉnh để kéo dài thời gian thực hiện hiện dự án hoặc cố tình không thực hiện thì không cho điều chỉnh.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá, trả lời chất vấn
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá, trả lời chất vấn

Ông Nghĩa dẫn chứng có những dự án giải phóng mặt bằng 10 năm vẫn chưa xong, chính vì giải phóng mặt bằng chậm nên nhà đầu tư kéo dài thời gian mà nguyên nhân do quá trình điều hành và chúng ta không làm quyết liệt ngay từ đầu, trong khi giải phóng mặt bằng chỉ làm phần dễ trước, phần khó để lại sau.

Vì thế, giải pháp trong thời gian tới, khi giải phóng mặt bằng phải làm triệt để ngay từ đầu, không để tình trạng phần dễ làm trước, phần khó làm sau. Chính việc khó để lại là nguyên nhân dẫn đến các nhà đầu tư ỷ lại do chưa giải phóng mặt bằng dẫn đến việc chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án.

Nói về phần trách nhiệm, ông Nghĩa cho rằng việc dẫn đến chậm triển khai các dự án quy mô lớn cũng có một phần trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá. Ông Nghĩa hứa trong thời gian tới, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy các dự án triển khai hiệu quả.

Tại phiên họp, ông Lại Thế Nguyên, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh các sở ngành, địa phương liên quan cần phải tháo gỡ ngay những khó khăn cho doanh nghiệp để các dự án sớm đi vào hoạt động.

Như vậy nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ cho thấy các địa phương, ngành liên quan chưa thật sự quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất và xử lý vấn đề tái định cư. Thậm chí trách nhiệm của chính quyền các địa phương chưa nhiệt huyết, có trường hợp không chịu kiểm tra đôn đốc… từ đó dẫn đến các dự án chậm triển khai.

Ông Nguyên cũng chỉ ra sự phối hợp giữa các huyện với ngành, giữa các ngành chưa hiệu quả, một số số nhà đầu tư chưa phối hợp với chính quyền...

Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chính quyền địa phương, các sở, ngành tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai, sớm đưa vào vận hành khai thác.

Xem thêm tại vneconomy.vn