“Ma trận” trái phiếu: Bài 1 - Dòng tiền huy động của Trịnh Gia Nguyễn “chảy” về đâu?

“Ma trận” trái phiếu: Bài 1 - Dòng tiền huy động của Trịnh Gia Nguyễn “chảy” về đâu?

“Ém” thông tin tài chính, liên tục chậm thanh toán lãi trái phiếu

Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu. Trịnh Gia Nguyễn từng phát hành trái phiếu TrinhGiaNguyen.Bond.2020 vào tháng 4/2020 với tổng giá trị trái phiếu phát hành là 1.400 tỷ đồng.

Thời điểm phát hành, trái phiếu có kỳ hạn 84 tháng, kỳ trả nợ gốc đầu tiên và kỳ trả lãi đầu tiên tối đa sau 36 tháng kể từ ngày đầu tư trái phiếu. Đây là trái phiếu có tài sản đảm bảo, phát hành qua đại lý phát hành và tổ chức lưu ký là CTCP chứng khoán Dầu khí (PSI). Tổ chức quản lý tài khoản trái phiếu và Quản lý tài sản đảm bảo là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank). Toàn bộ số trái phiếu trên đều do nhà đầu tư tổ chức trong nước mua vào.

Đến tháng 4/2023, tổ chức phát hành này chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu trong kỳ thanh toán 16/4/2023 với tiền gốc và số tiền lãi hơn 575 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là tổ chức phát hành đang trong quá trình đàm phán với trái chủ.

Ngay sau khi chậm thanh toán lần đầu, Trịnh Gia Nguyễn đã có công bố về việc sửa đổi và bổ sung một số nội dung, trong đó kỳ hạn trái phiếu thay đổi từ 84 tháng lên 108 tháng và kỳ trả nợ gốc đầu tiên và kỳ trả lãi đầu tiên thay đổi từ 36 tháng thành tối đa 54 tháng kể từ ngày đầu tư trái phiếu. Đồng thời, bổ sung thêm điều khoản: “Toàn bộ lãi phạt/phí phạt/lãi chậm trả và các khoản phải trả khác ngoài gốc, lãi (nếu có) phát sinh đến ngày được phê duyệt cơ cấu được trả tại thời điểm đáo hạn trái phiếu”.

Tháng 5/2023, Trịnh Gia Nguyễn thực hiện mua lại trước hạn chỉ 10 trái phiếu, giá trị trái phiếu còn lại đến nay là 1.399 tỷ đồng. Đến ngày đáo hạn vừa qua (16/10/2024), Trịnh Gia Nguyễn tiếp tục chậm thanh toán lãi với số tiền phải thanh toán là 890 tỷ đồng. Nguyên do là công ty chưa thu xếp kịp nguồn để thanh toán đúng hạn và đang đàm phán với trái chủ.

Không chỉ chậm thanh toán lãi trái phiếu, Trịnh Gia Nguyễn liên tục “phớt lờ” nghĩa vụ công bố thông tin liên quan.

Hồi tháng 2/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt công ty này do không công bố thông tin gồm Báo cáo tài chính năm 2020, 2021 và 06 tháng năm 2021, 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, 2021 và 6 tháng năm 2021, 2022; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, 2021 và 6 tháng năm 2021, 2022. Trịnh Gia Nguyễn cho biết đã nộp phạt và khắc phục các vi phạm theo hướng dẫn, tuy nhiên đến nay các báo cáo trên và các báo cáo trong năm tài chính 2023, nửa đầu năm 2024 vẫn chưa được công bố.

Được biết, Trịnh Gia Nguyễn hiện có vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Riêng khoản huy động từ trái phiếu trên đã lớn gấp 3,5 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Trịnh Gia Nguyễn huy động trái phiếu làm gì?

Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn thành lập vào năm 2017 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Đến năm 2020, vị trí giám đốc được giao lại cho ông Lê Xuân Học, vốn điều lệ công ty cũng được tăng lên 350 tỷ đồng.

Dù vốn điều lệ nhỏ, nhưng Trịnh Gia Nguyễn sẵn sàng mua lại toàn bộ Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Nha Trang. Công ty này chỉ mới thành lập năm tháng 3/2020 với vốn điều lệ 1.749 tỷ đồng, do ông Phạm Khánh Toàn làm Tổng giám đốc. Chỉ sau 1 tháng, ông Lê Xuân Học đã mua lại toàn bộ vốn góp của công ty này và sáp nhập vào Trịnh Gia Nguyễn.

Thời điểm này trùng khớp với thời điểm Trịnh Gia Nguyễn phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Vậy Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Nha Trang có gì mà Trịnh Gia Nguyễn phải đi huy động tiền vay trái phiếu để đầu tư vào một công ty chỉ mới thành lập được 1 tháng?

Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Nha Trang sở hữu 99,8% CTCP Đầu tư Du lịch Hồng Ngọc Việt, tổng giá trị cổ phần theo mệnh giá là 467 tỷ đồng. Khoản đầu tư này được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Nha Trang mang đi thế chấp tại PVcomBank mà sau sáp nhập đã chuyển tên bên đảm bảo sang cho Trịnh Gia Nguyễn.

Trong khi công ty mẹ có tuổi đời ngắn ngủi thì CTCP Đầu tư Du lịch Hồng Ngọc Việt được thành lập vào năm 2007, trụ sở tại Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa và là chủ đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng Nha Trang Seahorse Resort & Spa.

Toàn bộ quyền tài sản và lợi ích của Bên Bảo Đảm phát sinh từ hoặc có liên quan tới Khu du lịch Nha Trang Seahorse Resort & Spa cũng đã được Hồng Ngọc Việt sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại PVComBank từ tháng 5/2020.

Trước đó, Hồng Ngọc Việt được giới thiệu là công ty liên kết của Tập đoàn Danh Nam và do ông Lương Thành Thiêm (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Danh Nam) là Chủ tịch HĐQT. Dự án Khu du lịch Nha Trang Seahorse Resort & Spa được UBND tỉnh bàn giao đất trên thực địa để chủ đầu tư xây dựng từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn đang chưa hoàn tất. Năm 2018, Hồng Ngọc Việt đã ký thỏa thuận hợp tác với Best Western và xuất hiện tên gọi dự án Best Western Premier Seahorse Cam Ranh. Hiện trên website của Danh Nam vẫn còn giới thiệu đây là dự án trọng điểm của doanh nghiệp.

Việc lập ra các doanh nghiệp khác nhau cùng các thương vụ sang tay, chuyển nhượng cổ phần vòng vèo đã đưa Trịnh Gia Nguyễn sở hữu công ty nắm giữ Khu nghỉ dưỡng Nha Trang Seahorse Resort & Spa.

Năm 2021, vị trí Tổng giám đốc Trịnh Gia Nguyễn lại chuyển từ ông Lê Xuân Học sang cho ông Phạm Khánh Toàn. Đến cuối năm 2023, vốn điều lệ công ty tăng lên 400 tỷ đồng. Đáng nói, từ khi thành lập đến nay, Trịnh Gia Nguyễn chỉ có vỏn vẹn 3 người lao động.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn