Mảng trang sức là trụ cột giúp PNJ tăng trưởng vững chắc
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 33.137 tỷ đồng và chinh phục kế hoạch lợi nhuận sau thuế với 1.971 tỷ đồng.
Lợi nhuận đến từ mảng bán lẻ trang sức
Báo cáo kinh doanh của PNJ cho biết, Quý 4/2023, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.760 tỷ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 632 tỷ đồng (tăng 34,4% so với cùng kỳ). Theo đó, lũy kế cả năm doanh thu thuần công ty đạt 33.137 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng và chính thức hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Trong đó, doanh số đến từ mảng trang sức chiếm 66,8% trong tổng cơ cấu doanh thu năm 2023 (bao gồm 58,2% bán lẻ và 8,6% bán sỉ).
Cơ cấu doanh thu theo từng kênh (Nguồn: Báo cáo PNJ)
Đại diện PNJ nhận định, năm 2023 là một năm khó khăn cho ngành bán lẻ nói chung và là một năm rất khó khăn cho ngành kinh doanh trang sức vàng bạc đá quý. Nhiều người cho rằng khi giá vàng tăng thì PNJ sẽ được hưởng lợi, nhưng thật ra doanh nghiệp kinh doanh trang sức là chính và lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh trang sức, chứ không phải kinh doanh vàng miếng.
"Đã hơn 10 năm nay PNJ thực hiện bước chuyển chiến lược sang kinh doanh chế tác và bán lẻ trang sức, phụ kiện... Do đó, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào của vàng tạo ra những khó khăn rất lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và kết quả tốt trong năm 2023, hay ngay cả trong những năm COVID trước đó, bất chấp đà biến động mạnh của giá vàng, PNJ vẫn thực hiện quá trình "Nhấn nút tái tạo - F5 Refresh" suốt từ năm 2019 đến nay. Đây là quá trình chuyển đổi chiến lược để công ty có một nền tảng cạnh tranh mới dựa trên công nghệ, sự sáng tạo và sự chuyên nghiệp của hoạt động bán lẻ", đại diện PNJ nói.
Theo đó, công ty thay đổi cách quản lý sang hướng bài bản, sử dụng thông tin và dữ liệu để có thể đưa ra được các định hướng chiến lược. Ban điều hành luôn xây dựng nhiều phương án hành động khác nhau để sẵn sàng ứng phó với mỗi kịch bản khác nhau của thị trường. Điều này giúp PNJ có một sự chủ động và gia tăng thị phần đáng kể trong suốt các năm thử thách, dù đó là giai đoạn thị trường suy giảm hay tăng trưởng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định, PNJ là một doanh nghiệp có hướng đi khác biệt trong câu chuyện kinh doanh vàng, không còn tập trung mua - bán vàng miếng như nhiều năm trước đó. Và phân khúc bán vàng trang sức, đá quý, kim cương hay phụ kiện giúp doanh nghiệp này có mức lợi nhuận tốt trên thị trường.
Yếu tố nào tạo khác biệt cho PNJ?
Trong Báo cáo chiến lược năm 2024, với ngành bán lẻ, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định mảng trang sức trang sức kỳ vọng phục hồi nhẹ trong năm 2024. Dự báo của Statista, doanh thu trang sức Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 4,4% trong giai đoạn 2023-2026. Với yếu tố hỗ trợ là sức mua được duy trì của tệp khách hàng có thu nhập trung bình - cao, MBS kỳ vọng giá trị tiêu thụ trang sức/người của Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ trong năm 2024 sau khi giảm 11% trong năm 2023.
Kỳ vọng thị trường bán lẻ không thiết yếu sẽ phục hồi nhờ vào sức mua cải thiện kể từ nửa cuối năm 2024. Với cổ phiếu tiềm năng ở mảng bán lẻ, PNJ là một trong 2 doanh nghiệp được các chuyên gia của MBS khuyến nghị triển vọng nhờ lợi thế thị phần khách hàng có sẵn khi sức mua hàng không thiết yếu bắt đầu phục hồi, đặc biệt ở lĩnh vực hàng xa xỉ. Doanh nghiệp có định giá hấp dẫn trong ngành.
"Nhờ vào thế mạnh bán lẻ trang sức, trong năm 2023, PNJ đã mở mới 48 cửa hàng để tăng cường độ phủ, chuyển đổi mô hình kinh doanh của 3 cửa hàng độc lập PNJ Watch và 2 cửa hàng PNJ Art để tối ưu hiệu quả chi phí. Tính đến cuối tháng 12/2023, PNJ đã chạm mốc 400 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành. PNJ đã có tốc độ cửa hàng cao hơn cả năm trước, đạt 10% ở cả các khu vực cấp 1,2 và 3. Lợi nhuận ròng dự kiến tăng 6% năm 2024 khi sức mua hàng xa xỉ tăng trưởng trở lại sau mức nền tiêu thụ thấp của năm 2023", chuyên gia của MBS khuyến nghị.
Đâu là yếu tố tạo nên sự tăng trưởng cho PNJ trên thị trường? Có thể nói, việc doanh nghiệp này tập trung vào những chiến lược gia tăng khách hàng mới; tạo dấu ấn trong các hoạt động xây dựng thương hiệu; năng lực thiết kế và chế tác trang sức; năng lực quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro, tối ưu hóa vận hành… góp phần tạo sự khác biệt cho thương hiệu này.
PNJ còn được biết đến là cái nôi của ngành kim hoàn Việt Nam (Ảnh: Việt Hùng)
Đơn cử, số lượng khách hàng mới của PNJ liên tục tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023. PNJ cũng đang triển khai chiến lược mở rộng hệ thống cửa hàng tại các địa bàn địa phương giúp số lượng khách hàng mới ở các địa bàn này tăng nhanh. Do đó, doanh thu đóng góp từ khách hàng mới và khách hàng cũ quay lại đều ở mức khả quan trong kỳ vọng của công ty. Khi tổng cầu của toàn thị trường còn yếu, PNJ đã tập trung vào triển khai từng nhóm khách hàng mới (như gen Z) nên tiếp tục duy trì được thị phần.
PNJ đã đưa các chiến lược kinh doanh và phương pháp tiếp cận thị trường hiệu quả cùng việc tung ra các sản phẩm đa dạng. Khách hàng ngày nay có xu hướng quan tâm đến câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, đó cũng là lý do để PNJ đầu tư vào các chiến dịch marketing sắc sảo như campaign cầu hôn, ngày gia đình Việt Nam, chương trình cưới… không chỉ đóng góp đáng kể cho doanh thu chung mà còn mang lại hiệu quả trong việc đón đầu các dịp cao điểm mua sắm nhằm gắn kết khách hàng.
Ngoài ra, PNJ được biết đến là cái nôi đào tạo ngành kim hoàn tại Việt Nam, giúp đạt được yếu tố thẩm mỹ, vừa mang lại giá trị thương mại cao. PNJ cũng là đơn vị có 6 nghệ nhân ưu tú ngành kim hoàn, sở hữu hơn 70% nghệ nhân kim hoàn trên toàn quốc và hơn 1000 thợ giỏi…
Xem thêm tại cafef.vn