Mạnh tay để giảm thiểu những vụ thao túng thị trường chứng khoán

Thời gian qua, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).

Những vụ việc vẫn tiếp diễn

Mới nhất, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về hành vi thao túng TTCK mã cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam.

Trong khoảng 5 tháng, thông qua mạng xã hội, các đối tượng đã câu kết, lôi kéo để thao túng mã cổ phiếu này, bán thu lời hơn 10 tỷ đồng.

Hiện, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vẫn đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ vai trò của các đối tượng khác có liên quan cũng như làm rõ hành vi thao túng các mã cổ phiếu khác của nhóm đối tượng này.

-6938-1725163797.jpg

Hàng loạt vụ việc thao túng TTCK, tạo cung cầu giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.

Gần đây, ngày 5/8, phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư FLC (FLC) và đồng phạm đã chính thức khép lại với việc Trịnh Văn Quyết bị tòa tuyên phạt 3 năm tù về tội "Thao túng TTCK" và 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, năm 2023, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án thao túng TTCK đối với Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings) cùng 7 đồng phạm. Theo đó, Đỗ Thành Nhân bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội "Thao túng TTCK" (đầu năm 2024 giảm còn 4 năm).

Cả 2 vụ án này cùng bị phanh phui trong năm 2022, gây chấn động TTCK thời điểm đó. Hàng ngàn nhà đầu tư đã thua lỗ nặng khi các mã cổ phiếu liên quan lao dốc không phanh. Từ đó đến nay, hàng loạt vụ việc thao túng TTCK, tạo cung cầu giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội, hiện nay, một số đối tượng lợi dụng việc lập, sử dụng hội nhóm trên không gian mạng để kêu gọi, hô hào đầu tư mua một nhóm mã cổ phiếu nhằm mục đích để thao túng giá cổ phiếu, gây tác động xấu đến TTCK cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư chân chính.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, có phân công nhiệm vụ cụ thể, lợi dụng tính ẩn danh và phổ cập của không gian mạng để hoạt động.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Trước thực trạng trên, cơ quan công an đã đưa ra khuyến cáo “Nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu kỹ thông tin về các mã cổ phiếu, tình hình hoạt động, tài chính của doanh nghiệp niêm yết để lựa chọn đầu tư phù hợp, tránh để các đối tượng phạm tội lợi dụng, câu kéo gây thiệt hại lớn về kinh tế”.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thời gian qua có nhiều vụ việc thao túng TTCK bị phanh phui và xử lý, vấn đề là ở chỗ chế tài chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe hơn.

Theo ông Minh, để giảm thiểu những vụ thao túng trên TTCK không chỉ cần giải pháp mạnh tay với doanh nghiệp niêm yết, mà cơ quan quản lý còn phải tuyên truyền cho các nhà đầu tư. Chỉ cần nhà đầu tư không mua "cổ phiếu rác", cổ phiếu của doanh nghiệp thường xuyên vi phạm… cũng đã góp phần làm thị trường lành mạnh hơn.

"Nhiều nhà đầu tư cá nhân thường phản ứng thái quá đối với những sai phạm của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, dẫn đến dễ bị thao túng tâm lý, bán tháo theo tin đồn, gây thiệt hại cho bản thân và cả doanh nghiệp niêm yết. Trong khi đó, sai phạm lớn nhất của doanh nghiệp niêm yết là sai phạm liên quan việc công bố thông tin về báo cáo tài chính, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK và nhà đầu tư", ông Minh nói.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đề cập sự buông lỏng quản lý hoặc việc thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng thời gian qua đã dẫn đến những hành vi thao túng TTCK. Trong hành lang pháp lý cho TTCK, vấn đề chính nằm ở quá trình thực thi.

"Trước mắt, chưa cần nghĩ tới những giải pháp mới, chỉ cần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán... làm đúng vai trò của mình thì chắc chắn TTCK sẽ tốt hơn. Nếu các công ty kiểm toán làm chặt báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, số liệu phản ánh đúng tình hình của doanh nghiệp; cơ quan quản lý kiểm soát chặt việc mở tài khoản tràn lan... sẽ giúp cải thiện đáng kể tính minh bạch cho TTCK", ông Hiển nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng những giải pháp ngăn chặn thao túng TTCK đang tập trung vào hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Chẳng hạn, việc bán chui cổ phiếu diễn ra rất phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Giải pháp đơn giản là chỉ cần bắt buộc lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan phải mở một tài khoản đặc biệt, muốn bán thì phải có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Sở Giao dịch chứng khoán.

"Không nên để họ mua bán chui xong rồi mới xử lý hành chính, khi đó là quá muộn vì đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư khác rồi. Đó là thực tế diễn ra rất nhiều năm nhưng chúng ta chưa làm được", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho hay.

Liên quan đến việc kiểm toán độc lập, ông Huân nhận xét, trên TTCK, rất nhiều sai phạm liên quan báo cáo tài chính nhưng chỉ một số vụ bị xử lý hình sự. Trong những vụ này, vai trò của công ty kiểm toán rất mờ nhạt trong khi về lý thuyết, họ là người đầu tiên phát hiện sai phạm hoặc những vấn đề của doanh nghiệp để đưa ra ý kiến loại trừ hoặc cảnh báo cho các nhà đầu tư biết.

"Cần quy định chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của công ty kiểm toán trong việc phát hiện sai phạm của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Việc tăng cường biện pháp có tính răn đe hơn đối với trường hợp làm giá, lũng đoạn TTCK sẽ góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư", ông Huân góp ý.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Chứng khoán 2019. Trong đó, hành vi thao túng TTCK sẽ được luật hóa.“Thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch thời gian qua, cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định 156 để đảm bảo phù hợp với thực tế diễn ra trên thị trường”, Bộ Tài chính nhận định.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn