Margin "phình to" quý I và câu trả lời cho đà giảm của VN-Index

Thị trường bắt đầu đảo chiều khi định giá thị trường không còn rẻ

Kể từ khi chạm đáy và bắt đầu chu kỳ tăng giá mới từ ngày 15/11/2022 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa trải qua giai đoạn giảm điểm mạnh mà chủ yếu là nhịp rung lắc sau đó tiếp tục tăng với câu chuyện kỳ vọng giải cứu của Chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy đầu tư công và đặc biệt đầu năm 2024 là câu chuyện nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên, trong tháng 3/2024, thị trường chứng khoán có dấu hiệu đi ngang, không tăng điểm với thanh khoản cao, điều này tạo dấu hiệu phân phối đỉnh khi liên tục xuất hiện phiên cảnh báo vào ngày 23/2/2024, 8/3/2024, 18/3/2024 và đặc biệt là phiên 15/4/2024, thị trường chính thức phá vỡ xu hướng tích luỹ và bắt đầu có dấu hiệu bị bán tháo khi hàng loạt cổ phiếu có dấu hiệu dư bán sàn trở lại.

Áp lực bán tháo từ ngày 15/4 và tiếp tục xu hướng bán mạnh của thị trường

Áp lực bán tháo từ ngày 15/4 và tiếp tục xu hướng bán mạnh của thị trường

Thực tế, kể từ phiên giao dịch ngày 15/4/2024 tới nay, chỉ số VN-Index đã phá vỡ xu hướng tích luỹ trong 1 tháng trở lại, đồng thời giảm dưới đường hỗ trợ MA50 và vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy. Trong khi đó, việc tỷ giá liên tục tăng, đồng thời do nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và chưa giảm lãi suất như kỳ vọng, dấu hiệu dòng tiền bị rút khỏi thị trường cận biên, mới nổi quay trở lại và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, điều này càng tăng áp lực bán ra trên thị trường.

Như vậy, với các chỉ báo kỹ thuật về việc thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu bước vào chu kỳ giảm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trong khu vực cũng không ổn định, điều này dự báo có thể gây áp lực, hạ định giá của các cổ phiếu và thị trường.

Được biết, theo dữ liệu định giá của Chứng khoán VNDirect, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam theo P/E chạm đáy 9,84 lần (ngày 15/11/2022) nhưng sau đó đã đạt đỉnh vào ngày 2/4/2024 là 15,08 lần. Trong đó, định giá P/E trung bình của thị trường trong vòng 5 năm trở lại đây thường dao động từ khoảng 10 - 15 lần.

Như vậy, trải qua nhịp sóng tăng kéo dài, định giá thị trường không còn rẻ, việc thị trường có dấu hiệu đảo chiều sau giai đoạn đi ngang, điều này là tín hiệu cảnh báo khi thị trường mới bắt đầu điều chỉnh.

Dư nợ margin nhiều công ty chứng khoán chạm đỉnh

Tính tới ngày 17/4, một số công ty chứng khoán đã bắt đầu công bố bức tranh tài chính quý I/2024 với dấu hiệu dư nợ margin tiếp tục “phình to”. Trong đó, khảo sát 4 Công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I/2024 đầu tiên, dư nợ Chứng khoán SSI (mã SSI) tăng thêm 2.436 tỷ đồng lên 17.570 tỷ đồng; Chứng khoán VIX (mã VIX) tăng thêm 1.151 tỷ đồng lên 4.159 tỷ đồng; Chứng khoán FPT (mã FTS) tăng thêm 872 tỷ đồng, lên 6.266 tỷ đồng; và Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) đã tăng thêm 445 tỷ đồng, lên 3.218 tỷ đồng.

Thêm nữa, nếu xét về lịch sử dư nợ margin, với dư nợ 17.570 tỷ đồng, dư nợ cuối quý I/2024 của Chứng khoán SSI dù chưa tiệm cận đỉnh quý IV/2021 là 23.698 tỷ đồng, nhưng ba công ty chứng khoán gồm Chứng khoán VIX, Chứng khoán FPT và Chứng khoán Rồng Việt, dư nợ quý I/2024 lần lượt đã vượt dư nợ đỉnh điểm quý IV/2021 là 1.169 tỷ đồng, 12 tỷ đồng và 518 tỷ đồng.

Dư nợ margin tại một số Công ty chứng khoán chạm đỉnh trong quý I/2024

Dư nợ margin tại một số Công ty chứng khoán chạm đỉnh trong quý I/2024

Thực tế, việc dư nợ margin liên tục tăng trong giai đoạn quý IV/2022 tới quý I/2024 của các công ty chứng khoán trùng với giai đoạn hồi phục của thị trường. Trong đó, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 29/3/2024, chỉ số VN-Index đã liên tục tăng 40,8%, từ 911,9 điểm lên 1.284,09 điểm và thị trường chỉ trải qua nhịp rung lắc giai đoạn tháng 8 đến cuối tháng 10/2023, sau đó tiếp tục xu hướng tăng.

Việc thị trường tăng liên tục kéo dài hơn 1 năm qua đã giúp giá trị tài sản và danh mục của nhà đầu tư gia tăng, đồng thời giúp gia tăng tài sản đảm bảo để gia tăng sức mua, điều này giải thích vì sao dư nợ margin liên tục tăng khi thị trường thuận lợi và thiết lập các mặt bằng giá cao hơn.

Và khi thị trường giảm thì dư nợ margin cũng sụt giảm tương đồng. Trong đó, thống kê từ ngày 1/4/2022 đến ngày 15/11/2022, chỉ số VN-Index đã giảm 39,9%, từ 1.516,44 điểm về 911,9 điểm.

Trong giai đoạn thị trường lao dốc, bốn Công ty chứng khoán nói trên cũng liên tục giảm dư nợ vay margin. Trong đó, thống kê từ 31/12/2021 đến 31/12/2022, dư nợ margin của Chứng khoán SSI giảm 12.641 tỷ đồng, từ 23.698 tỷ đồng về 11.057 tỷ đồng; Chứng khoán VIX giảm 1.196 tỷ đồng, từ 2.990 tỷ đồng về 1.794 tỷ đồng; Chứng khoán FPT giảm 2.518 tỷ đồng, từ 6.254 tỷ đồng về 3.736 tỷ đồng; và Chứng khoán Rồng Việt giảm 404 tỷ đồng, từ 2.700 tỷ đồng về 2.296 tỷ đồng.

Thêm nữa, sau giai đoạn giảm điểm của thị trường, giai đoạn tháng 10 và đầu tháng 11/2022 cũng chính là giai đoạn chứng kiến hàng loạt lãnh đạo, cổ đông lớn của các Công ty bị bán giải chấp như lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG), CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC), CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX), CTCP Đầu tư LDG (mã LDG) …

Nhìn chung, kể từ khi tạo đáy ngày 15/11/2022 và bắt đầu hồi phục tới nay, thị trường chưa trải qua giai đoạn điều chỉnh và giảm điểm đáng kể, thị trường liên tục tăng dựa trên các câu chuyện kỳ vọng về chính sách hỗ trợ tháo gỡ lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy đầu tư công, hạ lãi suất điều hành, gỡ khó kênh trái phiếu, nâng hạng thị trường …, điều này đã tạo nên rủi ro đáng kể khi dư nợ margin của các Công ty chứng khoán duy trì ở mức cao và thị trường bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều, bán mạnh trong giai đoạn từ đầu tháng 4 tới nay.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn