Masan Consumer chi thêm hơn 12.000 tỷ đồng trả cổ tức
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã chứng khoán: MCH) mới đây công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức bổ sung cho năm 2023 với tỷ lệ 168% bằng tiền mặt, tức mỗi cổ phiếu được nhận thêm 16.800 đồng.
Khoản cổ tức bổ sung có thể được thực hiện thành một hay nhiều đợt trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Với hơn 717 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Masan Consumer chi khoảng 12.050 tỷ đồng để trả cổ tức bổ sung cho cổ đông. Khoản tiền này gần bằng toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm tài chính 2023. Tập đoàn Masan (MSN) thông qua công ty con là MasanConsumerHoldings sẽ nhận 11.279 tỷ đồng trong số này bởi là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 93,57%, tương đương hơn 671 triệu cổ phiếu.
Trước đó, Masan Consumer đã hoàn tất các đợt chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 100% bằng tiền mặt. Cụ thể, công ty đã tạm ứng 3.224 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 45% vào 8/2023 và 3.946 tỷ đồng, tương ứng 55% vào 7/2024.
Tổng mức cổ tức năm 2023 cổ đông nhận được từ Masan Consumer là 268%. Như vậy, tổng số tiền công ty dùng để chia cổ tức là 19.225 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MCH hiện ở mức 211.200 đồng, giảm nhẹ so với vùng đỉnh lịch sử được lập vào cuối tháng 6 năm nay (223.000 đồng). Vốn hoá thị trường đạt hơn 151.537 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 13.968 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giai đoạn này hơn 6.492 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 46,5%.
Công ty báo lãi trước thuế 3.923 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.458 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,6% và 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Masan Consumer đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 31.500 - 34.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.300 - 7.500 tỷ đồng. Sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 40,5 - 44,3% kế hoạch doanh thu và 46,1 - 47,4% mục tiêu lợi nhuận.
Masan Consumer hiện có 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty mẹ là Tập đoàn Masan.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, ban lãnh đạo cho biết Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023, đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.
“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu”, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer nhấn mạnh.
Trong đó, Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín…
Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 6/2024, công ty có tổng tài sản hơn 41.823 tỷ đồng, tăng 1.271 tỷ đồng so với đầu kỳ. Nợ phải trả giảm 2.236 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 11.941 tỷ đồng. Mục ngắn hạn chiếm phần lớn cơ cấu nợ của công ty với khoảng 11.670 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hơn 29.882 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 19.526 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn