Mặt bằng lãi suất kỳ vọng giảm thêm
Duy trì lãi suất thấp là cần thiết
Từ những ngày đầu năm 2024 đến nay, làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dừng lại, thậm chí có không ít ngân hàng chỉ trong tháng 1 đã 2-3 lần giảm lãi suất như SHB, OCB, VPBank, HDBank, TPBank, NCB, Viet A Bank, KienlongBank…
Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có mức lãi suất huy động thấp nhất. Trong đó, tại Vietcombank, lãi suất 1 tháng còn 1,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm. Tại Agribank, kỳ hạn 1 tháng là 1,8%/năm và 2 tháng là 2,1%/năm. Tại BIDV, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 2,3%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng còn 3,3%/năm…
Trong kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm tại ngân hàng BAOVIET Bank và 5,5%/năm tại ngân hàng NCB. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 5,1%/năm.
Mặc dù thị trường vẫn có ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao 8-10%/năm, nhưng điều kiện lại rất khắt khe với lượng tiền gửi lớn. Như PVcomBank áp dụng lãi suất lên tới 10%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng nhưng yêu cầu số tiền gửi tối thiểu tới 2.000 tỷ đồng. HDBank áp dụng mức 8,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 300 tỷ đồng...
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức hiện nay giữa các ngân hàng thương mại đã không còn sự chênh lệnh đáng kể, ghi nhận ở 4,3%/năm cho 4 ngân hàng TMCP nhà nước, 4,7%/năm cho các ngân hàng TMCP lớn và 4,8%/năm cho các ngân hàng TMCP khác. SSI cho rằng, so với giai đoạn năm 2021, lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng TMCP khác đã thấp hơn nhiều, trong khi nhóm ngân hàng TMCP lớn vẫn còn cao hơn mức 2021 khoảng 10 điểm cơ bản.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu là cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn chưa giảm đủ nhiều đối với các hoạt động phục hồi của nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm được khoảng 2,5% so với giai đoạn cuối năm 2022.
Tín dụng cải thiện, lãi suất cho vay sẽ giảm
Trong báo cáo chiến lược năm 2024 của Công ty Chứng khoán VNDirect, các chuyên gia cho rằng, NHNN không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi dẫn đến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng lên, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do NHNN đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia VNDirect nhận định, NHNN sẽ xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % trong quý 2/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4,0% và lãi suất chiết khấu về 2,5%. Do đó, VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân duy trì ở vùng thấp 4,5-5,0%/năm trong năm 2024, từ đó lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm thêm 0,5-1 điểm % trong năm 2024 nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại thấp.
Còn theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS, mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1-1,5% trong năm 2024. Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức lãi suất cho vay giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng có vốn nhà nước do các khoản cho vay chậm trả lãi tăng nhanh và giảm lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng của NHNN mới đây cho biết, các tổ chức tín dụng dự báo, năm 2024, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tiếp tục cải thiện chậm trong 6 tháng đầu năm 2024 ở hầu hết lĩnh vực. Kỳ vọng cả năm 2024 sẽ cải thiện tốt hơn. Đồng thời, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4% trong quý 1/2024 và giảm 0,2 điểm % trong cả năm 2024.
Ngoài ra, không chỉ tiết giảm chi phí, kéo giảm lãi suất, hiện nhiều ngân hàng thương mại còn đang đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho vay, ưu đãi lãi suất. Agribank cho biết ngay từ đầu năm nay, ngân hàng đã điều chỉnh chính sách lãi suất cho các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng.
Hay tại Sacombank, ngân hàng này cho biết đã bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi ở mức từ 6-7%/năm. Tương tự, từ nay đến hết ngày 31/12/2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống như mua nhà, mua xe ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm...
Đại diện lãnh đạo SHB cho biết, các chương trình tín dụng ưu đãi không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, mà còn là một giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, hạn chế tình trạng vay nóng, trả góp với lãi suất cao trên thị trường, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Trong họp báo của NHNN vào đầu năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng... phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn