May Sông Hồng: Lợi nhuận tăng vọt 75%, lựa chọn đầu tư sang Ai Cập để tận dụng một lợi thế đặc biệt
Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE:MSH) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu hợp nhất đạt hơn 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp đôi, đạt gần 45 tỷ đồng, góp phần đẩy lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 62 tỷ đồng, tăng 60%.
Sau khi trừ thuế, lãi ròng của Sông Hồng đạt 47,7 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,5% và 20,5% so với năm 2023. Với kết quả kinh doanh quý đầu năm, May Sông Hồng đã hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Lợi nhuận sau thuế của MSH qua các quý. Đơn vị: tỷ đồng |
Ban lãnh đạo May Sông Hồng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 rằng, mặc dù thị trường may mặc vẫn đang chịu nhiều áp lực từ biến động địa chính trị và cuộc khủng hoảng vận tải biển, nhưng tình hình kinh doanh năm nay đã có nhiều điểm sáng hơn năm 2023 và dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2025.
Về kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất, May Sông Hồng đang có hai dự án nhà máy mới. Nhà máy Sông Hồng 10 với hơn 40 chuyền may đã hoạt động hết công suất, sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác lớn của công ty. Trong khi đó, Nhà máy Xuân Trường 2 với quy mô 50 chuyền may đã khởi công từ quý IV/2023 và dự kiến sẽ đi vào vận hành cuối năm 2024, đầu năm 2025. Nếu hai nhà máy này hoạt động tối đa, May Sông Hồng sẽ có tổng cộng 255 chuyền may vào năm 2025, với khoảng 15.000 lao động, giúp tăng cường sản xuất và đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn.
Một trong những kế hoạch mở rộng đáng chú ý của May Sông Hồng là việc đầu tư sang Ai Cập thông qua thành lập liên doanh. Ban lãnh đạo công ty cho biết, chi phí nhân công tại Ai Cập thấp hơn nhiều so với Việt Nam, đồng thời các hiệp định thương mại tự do của nước này cho phép hàng sản xuất tại đây xuất khẩu sang Mỹ được miễn thuế 100%. Thêm vào đó, thời gian vận chuyển đường biển từ Ai Cập sang châu Âu và Mỹ cũng ngắn hơn đáng kể so với từ Việt Nam, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn