MB dự kiến chia cổ tức 20%, kế hoạch trở thành ngân hàng tiếp theo cán mốc lịch sử sau nhóm Big4
Chia cổ tức tỷ lệ 20%, gồm 5% tiền mặt
Tại đại hội, Hội đồng quản trị ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023.
Cụ thể, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế năm 2023 còn lại là gần 14.774 tỷ đồng. Cộng với lợi nhuận còn lại của các năm trước, tổng lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của MB đạt 18.952 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần với tổng tỷ lệ là 20%.
Thứ nhất, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.
Thứ hai, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của MB là 8.339 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ lên 61.643 tỷ đồng
Trong năm 2024, ban lãnh đạo MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025. Trước đó, ngân hàng này đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel.
Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.
Dự kiến tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 đạt 6 - 8%, tổng tài sản cán mốc 1 triệu tỷ đồng
Về kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo MB dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận tương đối khiêm tốn so với mức tăng trưởng 16% của năm 2023.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 – 8%. Với mức đạt được trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.
Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn.
Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, ngân hàng dự kiến sẽ thuộc top đầu trong ngành. Tới cuối năm 2024, MB đạt được 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến là 10 - 20%.
Trong giai đoạn từ 2024 đến 2029, MB kế hoạch tài sản sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm, với tăng trưởng huy động vốn trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.
Về tăng trưởng tín dụng, MB đặt mục tiêu trung bình là 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.
Tỷ lệ trả cổ tức trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm.
Kịch bản này chưa tính đến trường hợp MB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung ĐHĐCĐ sau khi có quyết định của chính phủ và NHNN.
Bầu HĐQT, Ban Kiểm soát mới
Tại ĐHĐCĐ năm nay, MB sẽ dự kiến bầu cử HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, số lượng thành viên trong HĐQT là 11 người, với 1 thành viên độc lập. Số lượng thành viên của Ban Kiểm soát là 5 người.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ sẽ thông qua một số nội dung đáng chú ý như cho phép HĐQT xem xét, chuyển đổi hình thức pháp lý của Ngân hàng MBCambodia, chi nhánh MB Lào. Tại hội nghị nhà đầu tư đầu năm, ngân hàng tiết lộ dự kiến sẽ chuyển một phần vốn của MB Campuchia cho một đối tác chiến lược để tăng năng lực quản trị điều hành.
Đề xuất dùng hàng nghìn tỷ để tìm kiếm, đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB ) vừa công bố tài liệu trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Trong đó, ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua Phương án sử dụng vốn chủ sở hữu năm 2024.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm trong năm 2024 là 19.003 tỷ đồng, từ 88.597 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 107.600 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm này này sẽ được dùng để Đầu tư tài sản tăng năng lực (6.867 tỷ đồng) và Đầu tư kinh doanh khác, hoạt động khác (12.136 tỷ đồng).
Trong đó, ngân hàng dự kiến sử dụng lượng lớn vốn tự có trong năm 2024 tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm để đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực trọng điểm khác với tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn điều lệ của MB ghi trong Báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất, phù hợp với chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022 - 2026.
Theo MB, mục đích đầu tư trụ sở ở khu vực phía Nam, miền Trung nhằm nâng cao hình ảnh, thương hiệu MB tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, có nhiều tiềm năng, góp phần phát triển hoạt động, kinh doanh theo định hướng chiến lược giai đoạn 2022-2026 của MB.
Địa điểm lựa chọn đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn địa điểm đầu tư tại các quận trung tâm của khu vực Hồ Chí Minh, các khu vực trung tâm các tỉnh miền Trung, và/hoặc các khu vực trọng điểm khác tập trung đông dân cư, các trụ sở ngân hàng, giao thông thuận tiện, dễ nhận diện thương hiệu. Trụ sở đầu tư cần đáp ứng tiêu chuẩn tòa nhà hạng A, trang bị hiện đại, dễ dàng nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến đầu tư, nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin và các hạng mục trang thiết bị, tài sản khác phục vụ cho hoạt động, kinh doanh của MB.
Xem thêm tại cafef.vn