MBBank (MBB) lãi kỷ lục 26.300 tỷ đồng: Đang 'ôm' 35.700 tỷ đồng trái phiếu, nợ xấu tăng cao
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – mã chứng khoán MBB) công bố báo cáo tài chính quý IV và kết quả kinh doanh cả năm 2023 với nhiều điểm đáng chú ý.
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh
Về kết quả kinh doanh, tính riêng quý IV, MB báo lãi trước thuế 6.287 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ. Đóng góp vào lợi nhuận của MB là thu nhập lãi thuần (9.163 tỷ đồng); là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (1.455 tỷ đồng) là từ kinh doanh ngoại hối (290 tỷ đồng), từ mua bán chứng khoán đầu tư, từ hoạt động kinh doanh khác.
Hoạt động cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 9.163 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 11% so với cùng kỳ, còn chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng 38% lên 7.833 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023 MB báo lãi trước thuế 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với thời điểm đầu năm, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 38.683 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục MB đạt được.
Thu nhập lãi thuần phản ánh bức tranh hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2023 (không tính khoản cho vay margin của MBS) tăng 31,7% so với thời điểm đầu năm, lên mức 601.830 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ vay, tổng cho vay các tổ chức kinh tế đạt 322.082 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% tổng dư nợ cho vay khách hàng; cho cá nhân gần 275.700 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
>> Soi nợ tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng của các 'ông lớn' bất động sản NVL, PDR, DIG, DXG
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng gần gấp đôi cùng kỳ, lên 9.800 tỷ đồng, trong đó tổng nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ lên đến gần 6.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,1% hồi đầu năm lên 1,62%.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi khách hàng đến cuối năm đạt 567.532 tỷ đồng, tăng 27,9% so với thời điểm đầu năm, trong đó tiền gửi không kỳ hạn 216.092 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tiền gửi khách hàng.
Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, MB lại giảm trích lập dự phòng rủi ro từ hơn 8.047 tỷ đồng năm 2022 xuống còn hơn 6.087 tỷ đồng – tương ứng giảm 24% - giảm khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Việc giảm chi phí dự phòng rủi ro diễn ra nhiều nhất trong quý IV vừa qua (giảm 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống còn gần 1.600 tỷ đồng).
Đóng góp vào lợi nhuận năm 2023 của MB còn có 1.210 tỷ đồng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, giảm 29% so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 4.100 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Trong đó ở phần thu nhập từ hoạt động dịch vụ, tổng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 8.200 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Phần chi cho hoạt động bảo hiểm này cũng gần 5.200 tỷ đồng - tương ứng lãi từ hoạt động bảo hiểm đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
MB đang “ôm” 35.700 tỷ đồng trái phiếu
Báo cáo ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư trong năm 2023 lại tăng đột biến gần gấp 4 lần năm trước đó, lên 541 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư vào chứng khoán kinh doanh trong năm 2023 tăng đột biến, gấp 10 lần cùng kỳ, lên hơn 44.251 tỷ đồng.
MB là một trong số những ngân hàng đang “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp trong nhóm các ngân hàng TMCP. Tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán 142.640 tỷ đồng, giảm 7,5% so với thời điểm đầu năm.
Trong số các chứng khoán đầu tư của MB, có 35.765 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế hát hành – con số này đã giảm 12% so với thời điểm đầu năm. MB cho biết đây là trái phiếu doanh nghiệp trong nước phát hành, kỳ hạn từ 3 đến 16 năm, lãi suất từ 6,5%-12,2%/năm.
Ngoài ra, tổng giá trị chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 5.300 tỷ đồng, trong đó có 2.682 tỷ đồng chứng khoán nợ do các doanh nghiệp trong nước phát hành.
MB đã trích lập dự phòng giảm giá cho tất cả các khoản chứng khoán đầu tư và chứng khoán sẵn sàng để bán lên hơn 473 tỷ đồng.
>> Ngân hàng 'chăm' tặng quà cho cổ đông chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024
Xem thêm tại nguoiquansat.vn