‘Mê cung’ lừa đảo dịp cận Tết
Lợi dụng giai đoạn cao điểm đi lại trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều đối tượng lừa đảo đã tận dụng cơ hội, bày ra nhiều thủ đoạn nhằm thao túng tâm lý khách hàng có nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch... để chiếm đoạt tài sản. Dù đây không phải chiêu trò mới nhưng cách các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi khiến nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy.
Chỉ cần tìm kiếm “vé máy bay giá rẻ” trên Facebook hay Zalo là khách hàng có thể nhận về vài chục kết quả từ hội nhóm cho đến những cá nhân bán vé. Tuy nhiên không phải tài khoản nào cũng đảm bảo rằng chỉ cần đặt vé, thanh toán là có thể bay.
Chị Đ.T.N.Linh (22 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này, cho biết, gần đây chị đã đặt mua vé máy bay để đi du lịch dịp Tết qua một tài khoản cá nhân chuyên đặt vé máy bay, phòng khách sạn trên Facebook. Sau khi đăng bài tìm kiếm vé máy bay trên nhóm “Săn vé máy bay giá rẻ”, chị được tài khoản này mời chào nhiệt tình với các combo vé máy bay và tour du lịch năm mới với ưu đãi cho chặng Hà Nội - Đà Lạt giá 4 triệu đồng/2 ngày/1 người đã bao gồm vé máy bay, nhưng sau khi chuyển tiền cọc chị đã bị chặn liên hệ, đồng thời, toàn bộ tin nhắn giao dịch cũng đã bị đối tượng lừa đảo thu hồi.
Trước thực trạng lừa đảo vé máy bay thời điểm áp Tết này, mới đây đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines đã chỉ ra các “mánh khóe” bán vé giả hoặc nâng giá vé dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, Vietnam Airlines cho hay, những năm qua, vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán, hãng ghi nhận một số phương thức bán vé giả thường được các đối tượng xấu thực hiện vào dịp cao điểm đi lại. Phổ biến nhất là các trang mạng xã hội chào mời bán vé dịp Tết Nguyên đán với giá thấp hơn so với thị trường chung, kèm theo ngày giờ bay thuận tiện để thu hút khách hàng. Thậm chí, để tạo niềm tin, người đăng tải chào mời mua vé máy bay giá rẻ còn tự tạo ra các bức ảnh chụp giao dịch thành công.
Tuy nhiên, khi người dùng chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn Facebook, hoặc chặn liên lạc điện thoại, xóa toàn bộ dấu vết. Trường hợp tinh vi hơn, các đối tượng sau khi nhận được tiền của khách, vẫn xuất vé, nhưng sau đó hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ. Hoặc các đối tượng này sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển khoản. Sau khi nhận thanh toán, họ không xuất vé và ngắt liên lạc. Do chưa được xuất ra vé máy bay, nên mã đặt chỗ sẽ tự hủy sau một thời gian. Khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay hoặc kiểm tra trực tiếp với hãng.
Việc các đối tượng lừa đảo có mục đích còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp lữ hành. Theo đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, thời gian qua, các đối tượng xấu còn dùng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, lập trang fanpage với chiêu thức nhái tên thương hiệu để chào bán tour chương trình du lịch đi Nhật với mức giá siêu rẻ 6,999 triệu đồng/người cho hành trình 6 ngày. Một số khách hàng đã bị chiếm đoạt tiền cọc, dụ dỗ áp dụng khuyến mãi giá rẻ. Từ những sự việc như trên đã làm suy giảm niềm tin của khách hàng đối với các đơn vị lữ hành làm ăn uy tín khi xung quanh họ luôn phải đề phòng những tài khoản giả mạo đang rình rập để lừa đảo mỗi dịp Tết đến.
Vô số bẫy lừa đảo
Câu chuyện vé máy bay giá rẻ chỉ là một trong số những chiêu trò lừa đảo trên mạng hiện nay. “Mê cung” lừa đảo dịp cận Tết hiện còn nhằm vào các đối tượng có mong muốn tìm việc làm để tăng thu nhập trước Tết. Trên các nhóm tìm việc online, thông tin tuyển dụng việc làm thêm với mức lương hấp dẫn, cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 20%; cộng tác viên vận đơn... Không ít người ham việc nhẹ lương cao đăng ký làm cộng tác viên bán thời gian, toàn thời gian đã mắc bẫy các đối tượng.
Mới đây, trong đợt thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đã phát hiện đối tượng Bùi Mạnh Cường (SN 1996, trú tại phường Văn Quán, Hà Đông) cùng Nguyễn Đức Tùng (SN 1993, trú tại phường Mộ Lao, Hà Đông) thuê 13 người có chuyên môn về tin học thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương thức thủ đoạn mới, rất tinh vi là mua hàng nghìn tài khoản Facebook “ảo” giao cho các trưởng nhóm quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé).
Theo đó, các đối tượng đăng bán vé máy bay giá rẻ, dùng các phần mềm công nghệ cao để tạo các giao dịch giả, thậm chí gửi cho khách hàng các giao dịch đã đặt vé thành công của các hãng máy bay để khách hàng tin tưởng chuyển tiền đặt vé. Trên thực tế, các giao dịch đó chỉ là giữ chỗ trong 24 giờ, do đó khi khách hàng chuyển tiền, chúng sẽ chặn các liên hệ, cắt liên lạc, còn việc đặt vé giữ chỗ theo quy định của các hãng bay, nếu không chuyển tiền thì giao dịch sẽ bị hủy.
Theo Cục An toàn thông tin, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, song các đối tượng liên tục thay đổi hình thức nên khiến cho nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Cơ quan này khuyến nghị người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng; đồng thời cần đặc biệt lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP.
Bên cạnh cách hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh một số doanh nghiệp, thương hiệu lớn để gọi điện dẫn dụ khách hàng chuyển tiền hay nhấn vào link độc. Chị P.N.Hà (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị nhận được số điện thoại di động tự xưng là nhân viên của Điện Máy Xanh, tặng quà tri ân khách hàng dịp cuối năm. "Điện Máy Xanh gửi tặng chị món quà tri ân, chị sẽ được lựa chọn một trong số những món quà của Điện Máy Xanh mà không mất bất kỳ khoản tiền nào, kể cả phí ship hàng", người gọi điện nói và yêu cầu chị đọc địa chỉ để chuyển quà đến.
Sau khi nghe chị đọc địa chỉ, người “nhân viên” yêu cầu được kết bạn qua Zalo. Sau đó, đối tượng liên tục vòng vo yêu cầu chị Hà phải nhấn vào đường link để xác nhận theo dõi tăng tương tác, đồng thời tìm kiếm quà tặng phù hợp. Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo bởi bản thân chị Hà không mua sắm nhiều ở Điện Máy Xanh nên chị đã gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng và được biết Điện Máy Xanh không có bất cứ chương trình tặng quà nào đang được triển khai.
Tương tự về thủ đoạn này, các ngân hàng như VPBank, ABBank cũng đưa ra khuyến cáo khách hàng cần lưu ý 2 hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024 là chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại và giả mạo trang thông tin điện tử chính thống. Khách hàng khi nhận bất cứ cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo may mắn nhận được quà tri ân, trúng thưởng… cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hỏi rõ về công ty và điện thoại trực tiếp cho đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp đó để liên hệ xác minh thông tin… Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Để chủ động không bị lợi dụng, sập bẫy các hình thức lừa đảo dịp cuối năm, các chuyên gia khuyến cáo người dân không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết gửi hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội vì đường link có nguy cơ chứa mã độc hoặc sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Thượng tá Phạm Công Hải- Phó Trưởng phòng A03 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo dùng nhiều hình thức lừa đảo rất đa dạng mà cơ quan chức năng không thể cảnh báo hết, cảnh bảo rồi sẽ nảy sinh ra hình thức lừa đảo mới tinh vi hơn và khó xử lý hơn. Lực lượng công an đề nghị người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM: Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi
Thời gian gần đây Công an TPHCM ghi nhận nhiều vụ lừa đảo. Ngoài thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", lực lượng công an còn ghi nhận các phương thức, thủ đoạn lừa trực tuyến mới ngày càng tinh vi, có câu chuyện gắn với sự kiện, pháp nhân cụ thể để dẫn dụ nạn nhân sập bẫy. Thời điểm cận Tết là giai đoạn các loại tội phạm lừa đảo tăng cường hoạt động. Điển hình là thủ đoạn giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các chương trình "quà tặng, trúng thưởng Tết", "khuyến mãi Tết", "vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ" hay dưới dạng "Hội thi áo dài Xuân"... Với những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường và tiếp cận nạn nhân thông qua cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội khiến người dân dễ dàng bị dẫn dụ tham gia.
Đồng thời, lợi dụng tâm lý người dân có nhu cầu kiếm tiền, các đối tượng đã thực hiện thủ đoạn tuyển dụng việc làm trực tuyến, hướng dẫn hỗ trợ mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, Shopee; vào các sàn xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, giật đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử... để được chi hoa hồng, sau đó dẫn dụ đầu tư và lừa đảo. Bên cạnh đó, các đối tượng còn có thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào các website ảo.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo, người dân tuyệt đối không tin vào lời mời tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội. Đặc biệt, không tin vào lời hứa hẹn, mời gọi hấp dẫn công việc có thu nhập cao nhưng không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm. Tuyệt đối không chấp nhận đặt cọc, ứng trước tiền. Đồng thời, không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết gửi hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội vì đường link có nguy cơ chứa mã độc hoặc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại. Trường hợp nghi vấn lừa đảo cần tham khảo ý kiến người thân trong gia đình hoặc liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS: Nâng cao năng lực và kỹ năng an toàn khi tham gia Internet
Tình trạng gia tăng tấn công mạng vào những ngày cuối năm, dịp nghỉ lễ, Tết là “thông lệ cũ”. Chỉ có thủ đoạn và nạn nhân là thay đổi. Người dùng tuyệt đối không làm theo các hướng dẫn khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại không có trong danh bạ. Người dùng chỉ truy cập các đường link bắt đầu bằng https, điều này giúp bỏ qua được phần lớn các trang web mạo danh, lừa đảo. Người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai nếu bạn không tự thao tác, giao dịch gì dẫn đến phát sinh OTP. Trong trường hợp không may bị mắc bẫy lừa đảo, cần bình tĩnh thu thập lại toàn bộ các nội dung chat, tin nhắn, cuộc gọi, đường link… liên quan, sử dụng các thông tin này để cung cấp, trình báo tới các cơ quan công an để được hỗ trợ.
Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý các hành vi phạm tội, đồng thời tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. Các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường giám sát, bảo vệ thông tin người dùng. Người dùng cá nhân cần nâng cao cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, không tham gia các hội nhóm không rõ nguồn gốc, không cài đặt ứng dụng không chính thống, xác minh lại tất cả các thông tin nhận được chứ không nên nghe theo luôn. Người dùng cần nâng cao cảnh giác, mỗi khi nhận được một tin nhắn hay cuộc gọi mà nên xác minh lại trực tiếp với các thông tin liên lạc công khai của các tổ chức có liên quan.
Xem thêm tại cafef.vn