“Miền Bắc cố lên!” - Hành trình mang nước tinh khiết đến bà con vùng lũ
Miền Bắc cố lên!
Đó là câu nói của đồng bào cả nước suốt tuần qua, động viên đồng bào vùng lũ kiên cường vượt qua khó khăn.
Bão Yagi và mưa lũ đã tạm qua đi nhưng những hậu quả nặng nề của nó vẫn còn đó. Với truyền thống "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no", hàng trăm đoàn cứu trợ đã khẩn trương lên đường với tâm thế sẻ chia cùng đồng bào các tỉnh phía Bắc.
Gần 5h sáng ngày 13/9, theo chân đoàn cứu trợ, cùng các đơn vị như Đoàn Thanh niên VTV, Đoàn Thanh niên Bộ Công an, phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong đó có Tập đoàn TH, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội. Giữa buổi sáng, dưới sự hướng dẫn của lực lượng quân đội, công an, đoàn có mặt tại khu 9, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ.
Nơi đây lúc cao điểm nước lên cao khoảng 6 mét so với mặt đường, thời điểm này đã rút bớt nhưng vẫn còn cao khoảng 4 mét. Cả xóm bị cô lập hoàn toàn đã 3 ngày nay. Mỗi ngày, bộ đội dùng xuống máy mang đồ ăn thức uống đến cho các gia đình còn bám trụ do chưa kịp hoặc không muốn sơ tán.
Chiếc xuồng máy chở chúng tôi lướt giữa mênh mông nước sâu. Trước mắt chúng tôi, những khu vực dân cư từng đông đúc, nhộn nhịp, những làng mạc từng đạt chuẩn nông thôn mới trù phú, những cánh đồng ven sông từng xanh mướt, bây giờ chỉ còn là những cảnh tượng tan hoang, đổ nát, khiến ai cũng xót xa. Cơn bão qua đi, để lại những ngôi nhà nước ngập đến lưng chừng mái. Một vài ngôi nhà nghiêng sắp đổ, mái nhà đã bị hất tung, những khung cửa trống hoác rầu rĩ nhìn ra… Có những nhà cao hơn, người dân đứng lên mái hiên tầng hai nhìn theo từng đoàn cứu trợ chờ được tiếp tế đồ ăn, thức uống.
Một cậu bé ngồi trên tầng 2 của ngôi nhà nước ngập gần hết tầng 1
Lực lượng quân đội, công an hỗ trợ các đoàn vào tiếp tế cho người dân
Chúng tôi dừng chân tại gia đình ông Nguyễn Văn Công (khu 9 xã Hiền Lương) và nghe ông kể lại thời điểm kinh hoàng đã qua.
"6h00 sáng ngày 9/9 nước lũ bắt đầu về, cả nhà tôi phải chạy đi di tản về chỗ an toàn. Nhưng vì còn nhiều đồ đạc làm cả đời mới mua được nên tôi quyết định ở lại vì tôi nghĩ "còn nước còn tát". Nhà tôi có 4 cái máy bừa, 1 cái máy gặt để ở ngoài đồng đã bị trôi mất 2. Nhà tôi thầu hồ cá cũng đã bị mất trắng. May mắn cũng kịp chuyển 60 bao lúa lên nhà cao hơn".
Trong các nhu yếu phẩm cứu trợ, ông Công nói, ông cần nhất là nước sạch. Với ông, nước sạch lúc này không chỉ cứu khát mà còn rất cần để nấu ăn.
"Gia đình tôi có 6 khẩu, đến lúc này vẫn chưa có nước sinh hoạt do nước ngập mới chỉ rút xuống khoảng 2 mét. May mắn là lực lượng chức năng địa phương, và các đoàn cứu trợ đã giúp chúng tôi. Mấy ngày qua lội nước bẩn tôi loét hết chân rồi. Nước sạch mọi người cứu trợ, chúng tôi dùng để uống, sinh hoạt luôn", ông Nguyễn Văn Công xúc động nói.
Điện mất, nhiều nhà sập. Đây là một hộ không di tản, gia đình cô nhận được nước uống, thực phẩm từ bộ đội và các nhà hảo tâm mỗi ngày.
Điểm cuối đáng nhớ trong chuyến đi của đoàn chúng tôi là xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 16h30 chúng tôi bắt đầu di chuyển từ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai vào Bát Xát.
Đường sá khu vực này trước đó cũng bị chia cắt. Đoạn đường chúng tôi qua gập ghềnh đầy bùn đất do sạt lở, may mắn đã được lực lượng chức năng và nhân dân dọn dẹp phần nào... Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, sạt lở đất đã khiến cho các thôn tại xã Phìn Ngan bị cô lập hoàn toàn. Phải đến ngày 13/9, giao thông trên địa bàn xã mới trở lại bình thường. Dọc đường đi có những chỗ vẫn phải căng dây chắn, để biển báo nguy cơ sạt lở. Có chỗ nước chảy qua đường còn xiết khiến người ít lên vùng núi như tôi phải thót tim khi đi qua.
Sau khi có mặt ở Uỷ ban nhân dân xã, đoàn chỉ có thể tiếp tục hành trình bằng xe máy do lực lượng thanh niên tình nguyện đã quen địa hình chở đi. Chúng tôi ôm từng thùng nhu yếu phẩm, nước tinh khiết, đến từng hộ gia đình đang khát nước sạch và cần tiếp tế.
19h00, trời đã tối hẳn và chúng tôi cần cố gắng xuống núi an toàn. Đoạn đường từ núi đi xuống vắng tanh, dốc vẫn khúc khuỷu đầy đất đá… Trên hành trình trở về, lòng ai cũng ngổn ngang bao cảm xúc. Thiên tai đã cướp đi mạng sống của đồng bào tôi, làm biết bao ngôi nhà bị sập, tài sản mất trắng...Những chai nước nhỏ bé, những nhu yếu phẩm chúng tôi mang đến hôm nay, hy vọng sẽ tiếp sức bà con một phần nhỏ nào đó trên chặng đường tái thiết lại cuộc sống của họ với bao vất vả, nhọc nhằn…
Đi một đoạn, chúng tôi gặp những chiếc xe với băng rôn "xe cứu trợ đồng bào vùng lũ" đi lên. Suốt những ngày qua những đoàn xe từ miền Nam, miền Trung ra Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược. Đó là đồng bào tôi đấy! Cả nước sẽ cùng siết chặt tay nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách theo truyền thống của người Việt Nam, Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) và Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) – các đơn vị dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Lao động Thái Hương đã có nhiều hoạt động cứu trợ kịp thời tới người dân các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3. Tính đến ngày 14.9, tổng giá trị hỗ trợ của ba đơn vị là 6 tỷ đồng, gồm tiền mặt và khoảng 400.000 sản phẩm sữa tươi, đồ uống, nước tinh khiết (TH true WATER).
Bên cạnh tiền mặt tài trợ thông qua các tổ chức chính trị xã hội phục vụ mua các nhu yếu phẩm, thiết bị cứu nạn, dành hỗ trợ người dân phục hồi sau bão, các sản phẩm sữa tươi, đồ uống gửi trực tiếp đến người dân là những món quà thiết yếu, kịp thời và quý giá cho họ trong thời gian chịu cảnh ngập lụt. Đặc biệt, việc được tiếp cận những sản phẩm nước sạch - nhu cầu cơ bản của cuộc sống, sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nhanh chóng giúp họ ổn định lại cuộc sống.
Xem thêm tại cafef.vn