'Miếng bánh' béo bở ngành bán lẻ: Digiworld một mình một sân chơi, FRT và MWG 'hạ nhiệt' cuộc chiến về giá

Nửa đầu năm 2024, ngành bán lẻ tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lẫn cơ hội. Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã mang lại niềm tin tiêu dùng, nhưng cũng đi kèm với những khó khăn từ tình trạng lạm phát tăng cao và sức ép chi phí. Người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và ưu tiên các dịch vụ có giá trị gia tăng.

Dù vậy, thị trường bán lẻ vẫn cho thấy dấu hiệu khả quan với sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong một số ngành hàng như điện tử, công nghệ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Các doanh nghiệp bán lẻ lớn như FPT Retail (FRT), Thế Giới Di Động (MWG), và Digiworld (DGW) đã thể hiện những chiến lược phát triển riêng biệt để thích nghi và tận dụng cơ hội trong bối cảnh thị trường thay đổi.

Digiworld một mình một 'sân chơi'

Trong khi cặp đôi Thế giới Di động (MWG) và FPT Retail (FRT) tự phát động cuộc chiến về giá, thì các doanh nghiệp khác vẫn củng cố nội lực, vươn lên chiếm thị phần.

CTCP Thế giới số (Digiworld - mã chứng khoán DGW) từ những ngày đầu thành lập được xếp vào nhóm doanh nghiệp bán lẻ ICT. Tuy vậy khoảng gần chục năm nay, Digiworld đã tự đưa mình ra một sân chơi mới, rộng lớn hơn. Hiện nay trên thị trường bán lẻ, Digiworld được xem là một doanh nghiệp phân phối đầu nguồn, hơn là một nhà bán lẻ.

Những năm trong và sau thời kỳ Covid-19, trong khi các doanh nghiệp khác đang cuốn mình vào cuộc chiến về giá, thì Digiworld lại gia tăng sức khoẻ nội lực, chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội mới.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ‘hồi sinh’ mạnh mẽ, tương lai có gì đáng chờ đợi?
Cơ cấu doanh thu của DGW

Quý II/2024, các mảng kinh doanh của Digiworld đều tăng trưởng ấn tượng: Ngành hàng máy tính xách tay & máy tính bảng tiếp tục đóng góp đáng kể vào doanh thu trong quý II/2024 với 1.568 tỷ đồng, tăng trưởng 17% và tăng 38% so với quý đầu năm.

Ngành hàng điện thoại di động là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho Digiworld ở các quý trước và cả quý II vừa qua với doanh thu 2.221 tỷ đồng.

Ngành hàng thiết bị văn phòng ghi nhận doanh thu quý II đạt 858 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này được đóng góp từ các sản phẩm như đồng hồ thông minh, máy in, máy trạm, máy chủ,...

Ngành thiết bị gia dụng mang về 199 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của các sản phẩm máy lọc không khí, máy hút bụi...

Kết quả, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Digiworld mang về gần 10.000 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 182 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12% so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2024, Digiworld đặt kế hoạch doanh thu thuần 23.000 tỷ đồng và lãi ròng 490 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, Công ty thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận năm. Về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, Chủ tịch Digiworld, ông Đoàn Hồng Việt cho biết, thông thường nửa đầu năm công ty sẽ đạt khoảng 40% kế hoạch, nhưng năm nay hơi thấp hơn, tuy nhiên, Digiworld vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch năm nhờ các sản phẩm mới.

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ‘hồi sinh’ mạnh mẽ, tương lai có gì đáng chờ đợi?
Kế hoạch kinh doanh quý III/2024 của DGW

Định hướng chiến lược kinh doanh lâu dài, Digiworld đã chọn cho mình đường đi đặc biệt chiến lược kinh doanh mở rộng độ phủ từ sớm. Đây chính là hiệu quả của mô hình phát triển chiều ngang và dọc của Digiworld.

Về chiều ngang, Digiworld thiết lập kênh phân phối cho từng ngành hàng, bắt đầu từ laptop vào năm 2021 rồi điện thoại, hàng tiêu dùng, điện tử và M&A....

Với mô hình phát triển theo chiều dọc, Digiworld đại diện cho các thương hiệu mở cửa hàng Brandshop trên cả môi trường offline và online. Đây được coi như dịch vụ dùng để phục vụ các nhãn hàng. Không nhà bán lẻ nào có thể trưng bày tất cả sản phẩm của nhãn hàng, vì vậy họ sẽ có nhu cầu mở một Brandshop để giới thiệu tất cả các sản phẩm của họ. Đây là chiến lược D2C (direct to consumer).

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ‘hồi sinh’ mạnh mẽ, tương lai có gì đáng chờ đợi?
Chiến lược phát triển của DGW

FPT Retail và Thế giới di động phát tín hiệu tích cực khi cuộc chiến giá rẻ dần ‘hạ nhiệt’

“Cuộc chiến giá rẻ” đã nhanh chóng hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2023, khi MWG và FPT Retail không còn tập trung vào tranh giành tệp khách hàng chung nữa mà xác định định hướng tăng trưởng riêng. Nếu Long Châu là “át chủ bài” của FPT Retail (FRT) thì Bách hóa Xanh được Thế giới di động (MWG) xác định là tương lai của mình.

Về tình hình kinh doanh, Thế Giới Di Động mới đây công bố, doanh thu thuần đạt 34.134 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.172 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 17,4 tỷ đồng cùng kỳ.

Sau khoảng thời gian miệt mài cắt giảm nhân sự, đóng bớt cửa hàng, Thế giới di động đang tích cực đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài với tham vọng phát triển 500 cửa hàng EraBlue - chuỗi điện máy tại Indonesia đến năm 2050.

Chuỗi Bách Hóa Xanh đã có tín hiệu tích cực khi lãi nhẹ gần 7 tỷ đồng trong quý II, mở ra hy vọng về khả năng "mang tiền về cho mẹ" trong tương lai gần. Doanh thu nửa đầu năm của chuỗi này đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng mỗi tháng đã đạt 2,1 tỷ đồng, vượt xa điểm hòa vốn 1,8 tỷ đồng/tháng.

Chuỗi nhà thuốc An Khang được xem là "vũ khí" của Thế giới di động, cũng đã phải rà soát, đóng bớt cửa hàng không hiệu quả trước đó. Tuy vậy Ban lãnh đạo Ban lãnh đạo MWG cho biết chuỗi An Khang sẽ tập trung vào tăng trưởng hai chữ số trong năm nay. Để làm được, thế giới Di Động sẽ tối ưu hóa hoạt động, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, nâng cao năng lực tư vấn của dược sĩ và áp dụng công nghệ. Mục tiêu là mở rộng thị phần và đạt điểm hòa vốn khi doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 550 triệu đồng, từ mức 450 triệu đồng vào cuối năm 2023.

FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) cũng có kết quả tích cực trong quý II với doanh thu đạt 9.240 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,1% lên 19,6%. Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 48 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 215 tỷ đồng cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng chính của FPT Retail đến từ chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu với doanh thu tăng 67% lên 11.521 tỷ đồng, chiếm 63% tổng doanh thu. Hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng, mặc dù công ty liên tục mở thêm nhiều nhà thuốc mới.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn