‘Miếng bánh’ ngân hàng, ‘cá mập’ kén ăn và lời khen của quỹ ngoại
Các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước sức ép gia tăng nguồn vốn cấp 1 để đạt được mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 11%-12% vào năm 2025. Tăng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng nội địa trong bối cảnh nguồn vốn trong nước chưa đủ dồi dào.
Ở chiều ngược lại, ngành ngân hàng cũng có thể được coi là “miếng bánh” màu mỡ mà nhiều “cá mập quỹ ngoại” lựa chọn kể từ khi dòng vốn FII bắt đầu khơi thông vào Việt Nam. Những năm gần đây, các chính sách của Chính phủ nhằm cải cách ngành tài chính và mở cửa cho đầu tư nước ngoài khiến lợi thế cạnh tranh của thị trường ngân hàng Việt Nam được nâng cao. Đặc biệt, tính minh bạch dần được cải thiện cùng xu hướng phát triển bền vững, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế tiên tiến như Basel đã giúp các nhà băng đáp ứng tốt hơn khẩu vị khắt khe của nhóm quỹ ngoại.
“Miếng bánh” ngân hàng hấp dẫn dòng vốn ngoại
Một điều không thể phủ nhận, dòng vốn ngoại đã tác động sâu rộng tới ngành huyết mạch của nền kinh tế. Trong đó, mức độ sâu nhất là những thương vụ M&A nghìn tỷ giữa ngân hàng và các đối tác chiến lược nước ngoài. Có thể kể đến VietinBank và MUFG Bank vào năm 2013, BIDV và Keb Hana Bank vào cuối năm 2019 hay thương vụ giữa VPBank và SMBC vào cuối năm 2023…
Bên cạnh M&A, một hình thức huy động vốn ngoại phổ biến khác là huy động vốn từ các quỹ đầu tư. Trên thực tế, những năm qua, nhờ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và kỳ vọng lớn trước phát triển của ngành ngân hàng, không khó để thấy, nhiều quỹ ngoại đã hiện diện trong nhóm cổ đông sở hữu lớn.
Những thương vụ bạc tỷ từ nhà đầu tư nước ngoài có tác động sâu rộng tới ngành ngân hàng (Ảnh: BIDV) |
Chẳng hạn như sự tham gia từ rất sớm của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và công ty con là Quỹ đầu tư cấp vốn (IFC Capitalization Fund) vào Vietinbank vào năm 2011. Trong thời gian làm cổ đông, IFC đã hỗ trợ về nguồn vốn cũng như tư vấn chiến lược về quản trị, sản phẩm,... đồng thời giúp VietinBank tìm được nhà đầu tư nước ngoài chiến lược.
Với Vietcombank, tháng 1/2019, “ông lớn” này đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 94 triệu cổ phiếu VCB cho GIC Private Limited ("GIC") - Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore. Tham gia vào thương vụ với tư cách là Nhà môi giới và Tư vấn tài chính của Vietcombank, ông Helman Sitohang, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương khẳng định:
“
Giao dịch này tiếp tục thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam
Ông Helman Sitohang, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Credit Suisse
Trong khối ngân hàng tư nhân, những ngân hàng như ACB, MB hay Sacombank đều có sự hiện diện của các cổ đông ngoại như các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital, PYN Elite Fund, KIM Vietnam Growth Equity Fund, Fiera Capital Emerging Markets…
Đặc biệt tại HDBank, sự tham gia của quỹ ngoại không chỉ nằm ở hoạt động đầu tư góp vốn. HDBank là ngân hàng nằm trong số ít nhà băng được nhiều quỹ đầu tư ngoại quan tâm sâu sắc khi tham dự ĐHCĐ ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Đại hội năm nay, HDBank tiếp tục chào đón sự có mặt của quỹ đầu tư DEG, Affinity Equity Partners đến tham dự trực tiếp. Riêng Leapfrog Investments tham dự trực tuyến từ đầu cầu vương quốc Anh. Tổ chức tài chính quốc tế IFC cử đại diện là ông Mr. Jun Nitta, Giám đốc đầu tư ngành dịch vụ tài chính - cùng các đồng nghiệp tham dự từ đầu cầu Singapore.
“Cá mập ngoại” có “kén ăn”?
Theo giới phân tích, không dễ dàng để “lọt vào mắt xanh” nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Một minh chứng là ở Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng đã “chật kín” room ngoại thì cũng không thiếu ngân hàng vẫn còn “hở room ngoại”.
Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp đều sở hữu những chuyên gia tinh nhuệ, họ phải trải qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng dài hơn về tình hình tài chính, tiềm năng và triển vọng phát triển của các tổ chức tín dụng rồi mới đi đến bước “bắt tay” và “rót tiền”.
Rõ ràng, "khẩu vị" của nhóm nhà đầu tư này rất chọn lọc và không dàn trải!
Mới đây, bà Angela Yang - Phó Tổng Giám đốc bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, PwC Việt Nam trong bài phỏng vấn với VnEconomy có phân tích về “khẩu vị” của các nhà đầu tư ngoại dựa trên kinh nghiệm tư vấn nhiều năm. Theo đó, một số tiêu chí quan trọng thường được các quỹ đánh giá kỹ lưỡng, bao gồm: sự phù hợp về chiến lược phát triển, vị thế trong ngành, tiềm năng tăng trưởng, hiệu quả hoạt động, các yếu tố quản trị như tính minh bạch và chất lượng quản lý.
Bà Yang cho rằng, về chiến lược phát triển, các ngân hàng đặc biệt đổi mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính và ngân hàng số, nhằm theo kịp xu hướng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu liên tục tăng của khách hàng. Về vị thế, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô, sở hữu mạng lưới lớn và dịch vụ uy tín sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng này được đánh giá cao dựa trên tỷ lệ tăng trưởng tài sản và kế hoạch mở rộng vào các phân khúc tăng trưởng nhanh như bán lẻ và doanh nghiệp SME.
Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi số giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt trong việc tiết giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR). Tuy vậy, theo bà Yang, vẫn tồn tại thách thức lớn với các ngân hàng nội địa, đến từ việc nâng cao tính minh bạch và chất lượng quản trị, yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hoạt động chuyển đổi số giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, tạo tiềm năng lớn mắt các nhà đầu tư ngoại (Ảnh: Thời báo Ngân hàng) |
Trước nhiều tiêu chí khắt khe của các nhà đầu tư ngoại, có những ngân hàng đã hành công tạo được niềm tin với các quỹ lớn sau một quá trình hợp tác. Có thể kể đến HDBank với những nỗ lực đã được đại diện nhiều Quỹ ngoại đánh giá cao tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua:
“
Tôi tin rằng với tỷ lệ tăng trưởng hơn 25% thì rõ ràng HDBank là ngân hàng hoạt động tốt nhất. Hơn 2 năm đầu tư vào HDBank, quỹ đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc ở HDBank, lợi nhuận khi quỹ tìm hiểu HDBank chỉ hơn 3.000 tỷ và hiện nay đã lên đến 16.000 tỷ và các cổ đông nên dành lời khen cho HĐQT.
Ông Lê Hoài Anh- Giám đốc Quỹ Affinity Equity
Trong tương lai, mặc dù đã chật kín room hay vẫn còn nhiều khoảng trống cho nhóm nhà đầu tư ngoại, nhiều ngân hàng vẫn bày tỏ mong được nới room vốn ngoại hơn nữa nhằm tạo dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.
Điển hình theo lãnh đạo BIDV chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ngân hàng từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay chưa thực hiện thành công. Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cũng chia sẻ, ngân hàng đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn