Miệt mài đẩy “bánh xe” tín dụng ở vùng trũng hấp thụ vốn

Cuối tuần trước, tại Thành phố Sơn La, Ngân hàng Nhà nước chủ trì Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 3”, gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình. Tham dự hội nghị có lãnh đạo 4 tỉnh nói trên cùng các ngân hàng thương mại lớn và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn.

HẤP THỤ VỐN YẾU ỚT

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 3, đến cuối tháng 2/2025, dư nợ tổ chức tín dụng tại 4 tỉnh ước đạt 134.571 tỷ đồng, giảm 1,61% so với cuối năm 2024. Mức giảm này được cải thiện hơn so với mức giảm 2,31% của cùng kỳ 2024.   

“Tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 7,96%; năm 2022 là 7,20%; năm 2023 là 9,63%; năm 2024 là 7,62% trong khi những tháng đầu năm 2025 tăng trưởng âm. Tăng trưởng tín dụng không ổn định, giảm và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước”, báo cáo Khu vực 3 nêu.  

Không chỉ ở khu vực ngân hàng mà ngay cả các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, kênh vốn dành cho nông hộ cũng trong tình trạng tương tự.

Trao đổi riêng với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, đại diện Quỹ Tín dụng nhân dân Thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết tổng dư nợ của quỹ đến thời điểm hiện tại ở mức khoảng 1.100 tỷ đồng, giảm so với năm ngoái, với 10 nghìn thành viên nhưng chỉ có  3.000 – 3.500 thành viên giao dịch vay trong khi có tới 5.000 thành viên gửi tiền, số gửi nhiều hơn vay từ 1.500 – 2.000 thành viên.

“Gần đây, quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng của quỹ bị lùi do một phần thị phần bị các ngân hàng chia sẻ, phần khác khách hàng không muốn vay mặc dù lãi suất cho vay tương đương nhóm ngân hàng Big4 thuộc Nhà nước”.

Đại diện Quỹ Tín dụng nhân dân Thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Khó khăn khi cho vay nên quỹ thường xuyên dư nguồn phải gửi ngược về hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) với mức lãi suất khá thấp và nếu trừ đi các chi phí đầu vào thì vẫn phải chịu lỗ một ít.  

Một đơn vị khác là Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Mộc Châu cũng trong tình cảnh đó. “Phần lớn thành viên quỹ là hộ nuôi bò. Họ không phải bỏ chi phí, chỉ nuôi, cuối ngày mang sữa cho công ty và nhận tiền về. Do không có nhu cầu mở rộng đầu tư hay kinh doanh khác nên các hộ trên gửi quỹ”, đại diện quỹ nói.

Bình quân tăng trưởng tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Mộc Châu chỉ 2 – 3% mỗi năm. Hiện tại, mức huy động 5%/năm, cho vay 6,5%/năm, với khoảng chênh lệch 1,5%, quỹ vận hành khá chật vật. Cũng theo vị này, sắp tới Vietcombank mở thêm chi nhánh ở Mộc Châu dự kiến lãi suất cho vay dự kiến 4% - 4,5%/năm, BIDV cho vay 5,5%/năm thì quỹ cũng không thể cho vay cao hơn.

KHÓ KHĂN ĐEO BÁM

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương Khu vực 3 cho biết, hiện tại, sở dĩ khả năng hấp thụ vốn trên địa bàn 4 tỉnh nói trên gặp nhiều khó khăn là do kinh tế tăng trưởng chậm, không ổn định, phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, trong khi những năm qua liên tục xảy ra dịch bệnh bùng phát, thiên tai bất thường. Đáng lưu ý, một số lĩnh vực như thuỷ điện và nông nghiệp đều đã đạt ngưỡng cho vay.

Ngoài ra, do hệ thống giao thông đi lại khó khăn nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Đơn cử như ở Sơn La, mặc dù là tỉnh có diện tích lớn nhưng hầu như các nhà đầu tư chỉ tập trung ở Mộc Châu, khiến giá đất khu vực này tăng chóng mặt. Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng lớn trong nhóm “big4” tại Mộc Châu nói với phóng viên: “Chỉ tính từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá đất một số khu vực ở Mộc Châu tăng gần gấp đôi”. Thực tế này cảnh báo thêm một điểm nóng bất động sản, tạo nên lệch lạc trong cơ cấu đầu tư như từng xảy ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng).

“Các dự án kinh tế lớn tạo động lực thúc đẩy kinh tế trên địa bàn không nhiều, chậm triển khai; các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế. Những khó khăn này dẫn đến việc hấp thụ vốn vay trên địa bàn có xu hướng giảm, điều này ảnh hưởng không tốt đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn và ảnh hưởng không tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”

Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 3.

Khi tăng trưởng kinh tế chậm khởi sắc, hấp thụ vốn tín dụng yếu đã dẫn đến tình trạng cho vay nhưng khó khăn thu hồi vốn nên phát sinh nợ xấu. Các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro do khách hàng chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, gây cản trở việc xử lý tài sản.

Ngoài ra, còn thêm những khó khăn khác trong quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy. Trong số các bộ ngành thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngân hàng là ngành tiên phong và về đích sớm nhất.

Đến nay, về cơ bản, toàn ngành đã ổn định tổ chức bộ máy để đưa vào vận hành. Theo đó, ngoài trụ sở ngân hàng trung ương là 15 khu vực trải dài khắp nước được rút gọn từ 63 chi nhánh tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, phía sau quá trình đó là hàng loạt khó khăn mà các cán bộ ngành phải tự khắc phục. Đơn cử, đặc thù ngân hàng là luôn phải có kho quỹ biên chế theo từng chi nhánh, trước đây có 4 kho quỹ ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình, nay cơ cấu thành Khu vực 3 trụ sở chuyển về Sơn La, mỗi khi họp ngoài lãnh đạo thì các cán bộ kho quỹ phải di chuyển hàng trăm km. Trong khi nguyên tắc mỗi kho quỹ ít nhất phải có 2 chữ ký mới được mở kho, chỉ cần 1 trong 2 người phải đi họp thì gần như ách tắc giao nhận tiền.

Hay đơn giản như việc sắp xếp chỗ ăn ở trong mỗi gia đình, khi di chuyển trụ sở mới cách xa hàng trăm km, đường đi lại khó khăn, không thể mang theo cả gia đình. Chưa kể, các cán bộ từ tỉnh này được điều về trung tâm khu vực nhà cách xa hàng trăm km, nơi ăn ở không có nên từng nhóm hùn tiền thuê nhà ở ngoài. “Dù vậy nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi vẫn phải khắc phục để hoàn thành tốt nhất công việc được giao”, một cán bộ vui vẻ nói với phóng viên.  

TĂNG TRƯỞNG PHẢI GẮN VỚI AN TOÀN

Tại hội nghị, theo lãnh đạo 4 địa phương trên, nhu cầu vốn đầu tư khu vực này rất cao. Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND Điện Biên, băn khoăn: “Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cho các địa phương tối thiểu 10% để cả nước đạt 8%. Vậy, những tỉnh vùng cao như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, nơi được coi là vùng trũng tài chính tín dụng thì làm thế nào để hoàn thành mục tiêu này?”.

Ông Toàn ước tính, ở Điện Biên, với hệ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư so với tốc độ tăng trưởng) là 5,5 thì cần nguồn vốn đầu tư khoảng 9 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư tư nhân chiếm 50%, tương đương 4.500 tỷ. Năm 2024 dư nợ tín dụng Điện Biên khoảng 22 nghìn tỷ đồng, kể cả dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội; năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 16% thì với Điện Biên con số này cũng phải 20% mới đáp ứng nguồn vốn cho khu vực tư nhân tại đây.

Theo ông Toàn, nếu phân theo cơ cấu đầu tư, nông nghiệp chỉ xoay quanh cà phê, mắc ca, cao su quế hồi, công nghiệp thì tập trung các dự án điện. Hiện tại, theo Quy hoạch điện VIII, Điện Biên được bổ sung 1 nghìn MW điện mặt trời và điện gió, tổng nhu cầu vốn lên tới 45 nghìn tỷ đồng và cũng chỉ nhìn vào ngân hàng khi mà các kênh trái phiếu, cổ phiếu hay IPO vốn nhà nước vẫn loay hoay chưa hưng phấn trở lại.

“Khi địa phương trình dự án lớn với Chính phủ, nếu có cam kết đầu tư vốn của ngân hàng ngay từ đầu thì xác suất thành công sẽ rất cao. Làm thế nào để tăng trưởng tín dụng tư nhân, nợ xấu giảm, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội thu hẹp là mục tiêu lớn nhất của Điện Biên”

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết thêm, tỉnh này được “trời ban” tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Ngoài công suất hiện có 3 nghìn MW, theo Quy hoạch điện VIII, Lai Châu được phân bổ thêm 900 MW. Thêm nữa, tỉnh được Chính phủ giao đầu tư điện mặt trời, suất đầu tư mỗi MW là 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tính cũng lo lắng khi được ngân hàng chấp thuận giải ngân thì kèm theo nhiều vấn đề về sự đồng bộ của lưới truyền tải. Hay như hiện nay, tỉnh được Chính phủ giao đầu tư điện mặt trời, suất đầu tư mỗi MW là 12 tỷ đồng. Tỉnh phải giải quyết một loạt vấn đề như đất sạch, không phá rừng, lựa chọn doanh nghiệp uy tín thi công thì ngân hàng mới yên tâm cho vay.

“Tôi đề nghị ngân hàng chủ động tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, quy hoạch dự án ở các sở ngành địa phương để nhận diện các dự án khả thi, uy tín doanh nghiệp để sớm xem xét những doanh nghiệp/dự án đủ điều kiện cho vay. Những doanh nghiệp mà gia hạn đến 4 – 5 lần thì không thể cho vay mãi. Như vậy sẽ hạn chế rủi ro, tiết kiệm thời gian”, ông Tính nói.

Đại diện tỉnh Hoà Bình, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nhấn mạnh: năm nay để đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ giao thì ngoài đầu tư công, phải trông đợi vào đầu tư tư nhân. Thậm chí, dù là dự án đầu tư công nhưng các nhà thầu vẫn phải vay ngân hàng thì mới có thể hoàn thành khối lượng thầu.

Năm nay, Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, qua phản ánh của 4 địa phương nêu trên, đủ thấy sức nóng về tín dụng đang phả dần vào hệ thống ngân hàng, nhất là các kênh trái phiếu, cổ phiếu vẫn chưa thể ngóc dậy sau những cú sốc ở các năm trước.

Trao đổi với phóng viên, đại diện các ngân hàng cho biết vấn đề đau đầu nhất với họ không phải không cho vay mà là cho vay rồi có thu hồi được vốn hay không. Hiện tại, với cách điều hành “bơm/hút” nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước, hầu như câu chuyện thanh khoản dòng tiền đã được giải quyết rất kịp thời. Cùng đó, lãi suất cũng không phải là câu chuyện lớn bởi chi phí lãi suất chỉ chiếm 4-5%/tổng chi phí của dự án. Vấn đề nằm ở chỗ các thủ tục đầu tư rườm rà, mắc kẹt giải phóng mặt bằng dẫn đến đội chi phí vốn, đánh mất cơ hội đầu tư mới là vấn đề.

Hiện nay, có vấn đề trong đầu tư là nhiều trình tự, thủ tục không thống kê được nên khi ngân hàng thẩm định nếu thiếu lại phải chờ đợi rất lâu. Khi tiền đã giải ngân mà chưa thi công nhưng vẫn phải trả lãi, giá thành sản phẩm cũng phải chịu chi phí trong thời gian này, như vậy sao mà cạnh tranh được?

Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lo với hệ thống ngân hàng hiện nay chính là hệ số LDR (dư nợ/tiền gửi) hiện khá căng, hầu như tất cả ngân hàng đã sử dụng sát ngưỡng khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước. Đây là điểm mà các tổ chức tài chính thế giới như WB đã nhiều lần cảnh báo trong các báo cáo nghiên cứu.

Cùng đó là vấn đề chênh lệch kỳ hạn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng mức tín dụng toàn nền kinh tế năm 2024 là trên 15 triệu tỷ đồng; trong đó, lượng tiền gửi kỳ hạn ngắn chiếm 82%, trung và dài hạn chiếm 28%. Tuy nhiên, lượng tiền vay trung dài hạn chiếm tới 50%, thiếu hụt 22%. Nói cách khác, 22% của tổng lượng tín dụng trên 15 triệu tỷ đã được nhấc từ ngắn hạn sang trung và dài hạn. Đây chính là điểm nhạy cảm của hệ thống ngân hàng tồn tại hàng chục năm qua, từng làm chao đảo hệ thống từ các năm 2006, buộc Chính phủ phải tiến hành 2 lần tái cơ cấu hệ thống này nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.  

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: "Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Khu vực 3. Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp của Khu vực ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra". 
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 
"Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Khu vực 3. Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp của Khu vực ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra". 

Xem thêm tại vneconomy.vn