Mirae Asset: Khả năng SBV phải bán ra USD, VN-Index gặp rủi ro điều chỉnh do nhóm ngân hàng?
Mirae Asset vừa đưa ra một số nhận định đáng chú ý về vĩ mô và thị trường chứng khoán trong tháng 4.
KHẢ NĂNG SBV BÁN RA USD?
Về vĩ mô, trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành tín phiếu (T-bill) hút ròng tổng cộng 171 nghìn tỷ đồng thông qua hợp đồng Repo với kỳ hạn 28 ngày từ ngày 11/03 đến 29/03.
Bước sang tháng 4, cụ thể vào ngày 3/04, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bơm ròng hơn 8 nghìn tỷ đồng với lãi suất 4%, kỳ hạn 7 ngày thông qua hợp đồng Reverse Repo, nhằm mục đích tăng cường tính thanh khoản trong kênh liên ngân hàng đồng thời rút lại 0,3 nghìn tỷ đồng thông qua T-bill.
Đáng chú ý, lãi suất qua đêm đã tăng từ 0,31% lên 4,36% giữa ngày 28/03 và ngày 02/04, cùng với sự gia tăng đáng kể trong doanh số giao dịch trung bình cho cùng kỳ.
Tỷ giá trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.400 vào ngày 3/4, đánh dấu mức mất giá 2,87% so với đầu năm. Tương tự, tỷ giá bán ra được Vietcombank niêm yết cũng cho thấy sự tăng vọt bất thường lên 25.130 VND vào cùng ngày, ghi nhận mức mất giá 2,91% so với đầu năm (tăng mạnh so với mức mất giá 2,25% vào ngày 29/03).
Nhìn lại toàn cảnh quý 1/2024, Mirae Asset nhận định bối cảnh trong năm 2024 tiếp tục có sự khác biệt đáng kể so với hai năm trước, khi quý 1 năm 2024 bị ảnh hưởng bởi tác động kéo dài của việc tăng lãi suất của Fed trước đó và tâm lý chung về việc Fed duy trì lãi suất cao lâu hơn. Áp lực đối với tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục cho đến khi Fed chính thức bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, tác động thực tế sẽ khác biệt so với hai năm trước do bối cảnh kinh tế hiện tại đã thấy sự cải thiện đáng kể, kết hợp với các biện pháp can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, nhằm mục đích mở rộng phạm vi can thiệp bằng cách kiểm soát mức chênh lệch hoán đổi (swap gaps).
"Nhìn chung, việc giảm quy mô phát hành T-bill của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc điều chỉnh lãi suất phát hành trong những phiên gần đây, phản ánh sự linh hoạt và cách tiếp cận có đo lường của phía Ngân hàng Nhà nước trong việc can thiệp vào tỷ giá hối đoái; thay vì vội vàng hành động, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước đang dần chuẩn bị các phương án tiếp theo nhằm giảm áp lực tỷ giá hối đoái, có khả năng sẽ bắt đầu với việc bán hợp đồng kỳ hạn đối với đồng USD", Mirae Asset.
RỦI RO ĐIỀU CHỈNH DO NHÓM NGÂN HÀNG
Trong tháng 3, VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm qua tháng thứ năm liên tiếp với mức tăng có phần khiêm tốn 2,5% so với tháng trước, tương đương khoảng 31 điểm, và đóng cửa ở mức 1.284,09 điểm tăng 13,6% so với đầu năm.
Với dữ liệu kinh tế vĩ mô quý 1, Mirae Asset giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm 2024. Sự lạc quan này được củng cố bởi một số thay đổi chính sách tích cực đã được thảo luận trong phần trước của báo cáo. Tuy nhiên, những tuần tăng điểm gần đây đã phần nào thu hẹp dư địa cho xu hướng tăng sắp tới khi VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tương ứng với mức P/E bình quân của 10 năm gần nhất.
Đồng thời, Mirae Asset đã ghi nhận những thay đổi trong chính sách như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, và quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán để đáp ứng tiêu chí nâng hạng của FTSE vào năm 2025. Những động thái này đã thúc đẩy giá trị của ngành Dịch vụ Tài chính vượt qua biên độ tứ phân vị theo mức P/E trong 10 năm gần nhất, phản
ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, bởi đây sẽ là một trong những nhóm ngành hưởng lợi chính.
Hơn nữa, diễn biến tích cực của thị trường trong những tháng qua phần lớn đến từ ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, lưu ý rằng, những đợt tăng giá trong 3 tháng gần nhất đã đặt phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm Ngân hàng trong rổ VN30 giao dịch quanh vùng giá trị trung bình P/B cộng với một độ lệch chuẩn so với tỷ lệ P/B trung bình từ 5 đến 10 năm. Điều này làm tăng rủi ro của các đợt điều chỉnh nhằm quay về vùng cân bằng tại những cổ phiếu này khi nhà đầu tư cố gắng hiện thực hóa lợi nhuận sau các đợt tăng giá đáng kể trước đó.
Do đó, đây có khả năng là một rủi ro tiềm ẩn, khi mà bất kỳ giai đoạn điều chỉnh nào trong nhóm ngân hàng có thể gây áp lực giảm điểm cho VN-Index trong tháng 4, do tỷ trọng vốn hóa đáng kể của ngành.
Trước đó, hoạt động giao dịch sôi động trong tháng 3 tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch trung bình hàng ngày lên mức cao kỷ lục là 26,7 nghìn tỷ đồng tăng 28% so với tháng trước, đạt đỉnh kể từ tháng 1/2022.
Trong tháng 3, sự chú ý được đổ dồn vào động thái bán ròng đáng kể của khối ngoại khi đã bán ra gần 11,3 nghìn tỷ đồng, nâng giá trị bán ròng kể từ đầu năm lên 13,8 nghìn tỷ đồng; qua đó đánh dấu tháng bán ròng mạnh mẽ nhất của nhóm này kể từ tháng 05/2021.
Mặc dù vậy, các phiên tăng điểm trong tháng 3 đã được củng cố bởi sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhóm này đã mua vào hơn 11,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 3, nâng mức mua ròng kể đầu năm là 16,2 nghìn tỷ đồng, đánh dấu tháng mua ròng lớn nhất của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước kể từ tháng 11/2021.
Mặt khác, các quỹ ETF tiếp tục rút ròng trong tháng thứ năm liên tiếp sau khi ghi nhận lượng rút ròng lên đến 195,2 triệu USD trong tháng 3, nâng giá trị rút ròng lũy kế kể từ đầu năm lên 278,4 triệu USD. Phần lớn lượng vốn rút ròng trong tháng Ba đến từ DCVFMVN Diamond (114,9 triệu USD), Fubon FTSE (39,2 triệu USD), DCVFMVN30 (17,6 triệu USD), Xtrackers FTSE Vietnam (15,8 triệu USD), và SSIAM VNFinLead (8,8 triệu USD).
Xem thêm tại vneconomy.vn