‘Mở khoá’ giai đoạn hiệu quả, cổ phiếu Masan (MSN) rục rịch đón sóng lớn
Ngay đầu phiên sáng 3/6, thị trường chứng khoán ghi nhận tín hiệu tích cực trên cả 3 sàn giao dịch, VN-Index mở gap tăng hơn 10 điểm trước khi nới biên độ tăng lên 13,2 điểm vượt mốc 1.275 nhờ sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu VN30.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) tăng 2,09% lên mức 78.200 đồng/cp với hơn 2,6 triệu đơn vị khớp lệnh, nằm trong top 5 cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh tới chỉ số chung (tại thời điểm 11h00 phiên sáng 3/6).
Diễn biến giá cổ phiếu MSN |
Đà tăng của cổ phiếu đến khi Masan vừa công bố một phần nội dung Hợp đồng mua bán giữa Mitsubishi Materials Corporation (MMC Group) và CTCP Masan High - Tech Materials (UPCoM: MSR) - công ty con của Tập đoàn Masan vào ngày 30/5.
Theo đó, MMC Group sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (“HCS”) từ MSR với giá 134,5 triệu USD. Đồng thời, 2 bên ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram - đây là sản phẩm đầu ra của MSR.
Tập đoàn dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD (khoảng 1.108 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 30/5) từ giao dịch bán HCS và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20 - 30 triệu USD (khoảng 509 - 764 tỷ đồng) trong dài hạn đối với các điều khoản còn lại.
Đáng chú ý, trong 4 tháng gần nhất, MSN bắt đầu nhận được sự chú ý lớn trên thị trường chứng khoán, tương ứng mức tăng gần 20%. Khối lượng giao dịch trung bình phiên tăng từ 2-6 lần so với 2 năm trước đó, đạt 3-8 triệu cổ phiếu/phiên. Thậm chí, phiên 5/3 và 17/5, cổ phiếu Masan khớp lệnh trên 12 triệu đơn vị.
Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ báo MCDX cho thấy các dòng tiền lớn đã quay trở lại trong đó tự doanh và khối ngoại giao dịch tương đối cân bằng trong khi dòng tiền nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nội thiên về chiều mua.
Ở nhóm VN30, cổ phiếu MSN hiện là một trong những mã ghi nhận sự hiện diện lớn của nhà đầu tư nước ngoài xét về tỷ lệ sở hữu (trên 28%). Với việc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam vừa cho phép nới room cổ phiếu từ 46,326% lên 49% hồi giữa tháng 5 vừa qua, giới phân tích cho rằng điều này sẽ tạo thêm động lực giúp Masan thực hiện tham vọng "đánh chiếm thị phần" quốc tế trong thời gian tới.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm phân tích nhận thấy rằng MSN đã xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái trong chuỗi giá trị tiêu dùng gồm MCH, WCM, MML và PHL, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu CAGR 2019-2023 là 20%.
MSN đã tiến hành tái cấu trúc lại các mảng kinh doanh theo hướng tập trung vào hiệu quả, giảm lượng tăng chất (WCM, PHL,…) và chiến lược này tiếp tục được ban lãnh đạo MSN khẳng định tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024: “Chúng ta sẽ thúc đẩy lợi nhuận của WinCommerce, Masan MEATLife và Phúc Long hơn nữa để sánh vai cùng Masan Consumer. Khả năng sinh lời sẽ là thước đo quan trọng trong 18 đến 24 tháng tới giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông.”
Nguồn: BSC |
Dựa trên cơ sở đó, BSC nhận thấy cơ hội đầu tư cho cổ phiếu MSN trong giai đoạn tới nhờ:
Hiệu suất cổ phiếu từ đầu năm tới nay chỉ đạt +7,3% YTD so với VN-Index là +12% YTD. Trong khi nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2024 -2025 của MSN tăng trưởng lần lượt là 90% và 59% so với cùng kỳ nhờ vào:
(1) Nỗ lực giảm đòn bẩy nợ với Net debt/EBITDA từ mức 6,5 lần năm 2023 xuống mức 3 lần năm 2025 do: (i) Nguồn vốn đầu tư từ Bain capital với giá trị 6.339 tỷ đồng, (ii) dòng tiền từ cổ tức MCH và TCB ước tính hơn 3.700 tỷ đồng và (iii) nguồn tiền đến từ sự kiện MSR thoái vốn HCStack.
(2) Mảng tiêu dùng cốt lõi TCX giai đoạn năm 2024-2025 (tăng lần lượt là 15,5% và 19% so với cùng kỳ) trong đó: (i) MCH tiếp tục theo đuổi chiến lược cao cấp hoá và “Going Global”sẽ là động lực chính cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận hoạt động tăng trưởng 1 điểm % nhờ cơ cấu ngành hàng biên lợi nhuận tốt và xu hướng giảm giá nguyên vật liệu và (ii) duy trì quan điểm WCM giảm lỗ hoạt động tư xuống 0,5% vào năm 2024 và có lãi hoạt động vào cuối năm 2025 tại mức 0,5%.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cũng đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MSN, giá mục tiêu 88.400 đồng/cp dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tích cực từ các công ty thuộc hệ sinh thái bán lẻ - tiêu dùng cùng với sự phục hồi qua đáy của MHT.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn