Mối liên hệ giữa Quốc Cường Gia Lai (QCG) và dự án 39-39B Bến Vân Đồn đang khiến 16 người bị khởi tố

Sáng 19/7, nhiều xe cùng lực lượng thuộc Bộ Công an có mặt tại một tòa nhà ở số 26 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM. Địa chỉ này được đăng ký là nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG).

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Dân Trí, động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), Công ty Cao su Bà Rịa, Công ty Cao su Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP. HCM.

Mối liên hệ giữa Quốc Cường Gia Lai (QCG) và dự án 39-39B Bến Vân Đồn đang khiến 16 người bị khởi tố
Nhiều cảnh sát, cơ động và điều tra viên đến nhà CEO Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan

Khu đất tại 39-39B Bến Vân Đồn, đất công biến thành đất tư

Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có tổng diện tích hơn 6.200m2. Hiện tại, đây là khu phức hợp cao 33 tầng, gồm căn hộ và khu thương mại văn phòng, dịch vụ do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên - công ty con của Novaland (NVL) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, nguồn gốc lô đất này thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa là 2 đơn vị thuộc GVR quản lý. Năm 2009, 2 đơn vị này thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín) có địa chỉ tại 39-39B Bến Vân Đồn, trong đó Cao su Đồng Nai nắm 72% vốn và Cao su Bà Rịa năm 28% vốn.

Năm 2010, UBND TP. HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho công ty Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch.

Tháng 8-9/2014, Quốc Cường Gia Lai mua lại 100% vốn chủ sở hữu của Phú Việt Tín. Chỉ sau đó vài tháng, Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng toàn bộ phần vốn trên cho 2 pháp nhân và 1 cá nhân.

Đến tháng 3/2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên, từ đó hình thành lên dự án như ngày nay để cho người sử dụng.

Mối liên hệ giữa Quốc Cường Gia Lai (QCG) và dự án 39-39B Bến Vân Đồn đang khiến 16 người bị khởi tố
Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có nguồn gốc Nhà nước đã thành khu phức hợp cao 33 tầng và bán cho người sử dụng

Mới đây, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc TP.HCM ra quyết định về việc thu hồi, giao đất và chỉ định công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại vị trí nói trên không thông qua đấu giá là không đúng quy định pháp luật.

Vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vào cuối tháng 5 và đã có 16 người bị khởi tố như: bà Nguyễn Thị Hồng - cựu phó chủ tịch UBND TP. HCM; ông Lê Quang Thung - cựu Tổng Giám đốc, Quyền Chủ tịch HĐQT GVR; Huỳnh Trung Trực - cựu Phó Tổng Giám đốc GVR; bà Nguyễn Thị Gái - cựu Tổng Giám đốc Cao su Đồng Nai; Nguyễn Công Tài - cựu Chủ tịch HĐTV Cao su Bà Rịa.

Quốc Cường Gia Lai và khu đất tại 39-39B Bến Vân Đồn

Mối liên hệ giữa Quốc Cường Gia Lai (QCG) và dự án 39-39B Bến Vân Đồn đang khiến 16 người bị khởi tố
Quốc Cường Gia Lai thâu tóm 100% cổ phần Phú Việt Tín có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, sau đó bán lại với giá trị trên 799 tỷ đồng

Bà Loan xác nhận, tháng 8/2014, bà có làm người đại diện phần vốn góp của Quốc Cường Gia Lai là 5,94 tỷ đồng, chiếm 99% cổ phần Phú Việt Tín. Sau đó 1 tháng, bà có nhận 1% còn lại từ Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa với giá 60 triệu đồng.

2 tháng sau khi nắm 100% Phú Việt Tín, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng cho 1 cá nhân và 2 pháp nhân gồm: 6% cho bà Lại Thị Hoàng Yến; 40% cho CTCP Bất động sản Hưng Thịnh thu về 340 tỷ đồng; 54% cho CTCP Biệt thự Thành phố thu về 459 tỷ đồng. Như vậy, riêng với 94% cổ phần của Phú Việt Tín, công ty bà Loan nhận về 799 tỷ đồng.

Lý do chuyển nhượng mà bà Loan đưa ra là muốn đầu tư cho dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP. HCM, không muốn đầu tư dàn trải.

Tuy nhiên, bà Loan cho rằng, khi ấy Phú Việt Tín có vốn điều lệ 6 tỷ đồng và có 3 cổ đông là Công ty Retro Harvest (80% vốn), Cao su Đồng Nai (14,4% vốn), Cao su Bà Rịa (5,6%) vốn. Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng Phú Việt Tín từ ông Dứa và bà Linh là 2 người đại diện cho Công ty Retro Harvest chứ không liên quan gì đến các công ty cao su của Nhà nước.

Ở diễn biến khác, bà Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My là 2 cổ đông lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai bất ngờ vắng mặt trong ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 30/6 khiến cuộc họp diễn ra bất thành. Hiện tại, Quốc Cường Gia Lai chưa thông báo thời gian tổ chức lại cuộc họp lần 2.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn