Năm nay, hoặc xa hơn
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, HĐQT VietBank (mã VBB) đã trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu VBB trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thực tế, kế hoạch này đã được cổ đông thông qua trong mùa đại hội năm trước.
Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Trung, Phó chủ tịch HĐQT VietBank, năm 2023, dù đã đáp ứng được các điều kiện về kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính và quản trị điều hành, nhưng do bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước có nhiều biến động nên Ngân hàng chưa thực hiện niêm yết cổ phiếu. Vì vậy, VietBank tiếp tục trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi.
“HĐQT VietBank tiếp tục theo dõi sát thị trường chứng khoán để chờ thời điểm thích hợp có thể niêm yết cổ phiếu VBB trên HOSE, với mục tiêu tối ưu hóa quyền lợi cổ đông và giá trị cổ phiếu VBB”, ông Trung nói.
Mới đây, VietABank (mã VAB) trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của Ngân hàng (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE hay HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) sẽ do HĐQT quyết định và sau khi được cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chấp thuận.
“Hồ sơ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và đã làm việc với một số công ty chứng khoán, hy vọng là sẽ hoàn thành được mục tiêu chuyển sàn trong năm nay”, ông Phương Thành Long, Chủ tịch HĐQT VietABank cho hay.
Tương tự, đại hội cổ đông thường niên 2024 của BVBank (mã BVB) đã thông qua tờ trình về việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB tại thị trường UPCoM sang niêm yết trên HOSE. Trước đó, kế hoạch này đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2023 nhưng BVBank chưa thực hiện do “bối cảnh thị trường không thuận lợi”.
Theo kế hoạch, Saigonbank (mã SGB) sẽ chuyển sàn trong thời gian tới. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho hay, hiện các chỉ số tài chính của Ngân hàng đã đáp ứng điều kiện chuyển từ UPCoM sang HOSE và đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn. Tuy nhiên, theo ông Lãm, “đây là quá trình dài và phức tạp, việc chuyển sàn khó thực hiện được ngay trong năm nay”.
Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra đầu tháng 4/2024, cổ đông ABBank (mã ABB) cũng đặt câu hỏi về kế hoạch chuyển sàn với lãnh đạo Ngân hàng. Trả lời vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng mong muốn đưa cổ phiếu ABB sang giao dịch trên HOSE để huy động vốn thị trường tốt hơn, đồng thời giúp quản trị thông tin minh bạch hơn. Các cổ đông lớn của ABBank như IFC, Maybank cũng đặt ra yêu cầu quản trị minh bạch, song điều kiện hiện tại chưa thuận lợi để tiến hành chuyển sàn.
“Trong lộ trình phát triển 5 năm tới của ABBank có mục tiêu tăng giá trị vốn hóa lên 3 tỷ USD, đây không chỉ đơn thuần là tăng trưởng hữu cơ, mà cũng cần các 'cú huých' như M&A hoặc có cổ đông mới hay niêm yết cổ phiếu. McKinsey sẽ hỗ trợ ABBank để cùng triển khai lộ trình này”, ông Kháng nói.
Trên thị trường chứng khoán, hiện còn 7 ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM gồm VietABank, ABBank, Kienlongbank, VietBank, PGBank, Saigonbank và BVBank. Năm 2023, có 5 ngân hàng là ABBank, Kienlongbank, Nam A Bank, VietBank và BVBank công bố kế hoạch chuyển sàn, nhưng chỉ Nam A Bank thành công đưa cổ phiếu sàn giao dịch trên HOSE.
Ưu tiên tăng vốn
Hồ sơ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và đã làm việc với một số công ty chứng khoán. Hy vọng là sẽ hoàn thành được mục tiêu chuyển sàn trong năm nay.
Ông Phương Thành Long, Chủ tịch HĐQT VietABank
Cùng với kế hoạch chuyển cổ phiếu sang giao dịch trên HOSE, VietBank còn trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt) với tổng vốn tăng thêm là 1.003 tỷ đồng.
Hiện VietBank đã hoàn tất chào bán hơn 100,3 triệu cổ phiếu và đang thực hiện các thủ tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi giấy phép. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý II và III/2024. Đồng thời, trong năm nay, VietBank dự kiến phát hành gần 144,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%, với tổng mệnh giá phát hành gần 1.445 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế để lại đến ngày 31/12/2023. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2024.
Theo HĐQT VietBank, số vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2024 được sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng hệ thống, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Nếu hoàn tất thủ tục chỉnh sửa giấy phép và phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của VietBank sẽ đạt gần 7.210 tỷ đồng.
VietBank đề ra hai kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 gồm mục tiêu cơ sở và mục tiêu phấn đấu. Với mục tiêu cơ sở, VietBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 950 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả thực hiện 2023. Với mục tiêu phấn đấu, lợi nhuận trước thuế tăng 29% lên 1.050 tỷ đồng. Đồng thời, VietBank đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Saigonbank đã có thông báo ngày 24/4/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ năm 2016 trở về trước, năm 2017 - 2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn của Saigonbank.
Đại hội cổ đông năm 2024 của VietABank cũng thông qua phương án tăng vốn thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39%, bằng việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ VietABank sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Năm 2024, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4%.
Cùng với việc chuyển sàn, BVBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 890 tỷ đồng, lên 6.408 tỷ đồng. Theo đó, BVBank sẽ phát hành gần 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 8:1 (cổ đông sở hữu 8 cổ phần sẽ được mua 1 cổ phần). Quyền mua không được phép chuyển nhượng. Cổ phần phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Đồng thời, BVBank sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP, cổ phần phát hành thêm sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Thời gian dự kiến thực hiện các phương án trên là từ nay đến giữa năm 2025. Thời gian cụ thể ủy quyền cho HĐQT quyết định sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE/HNX là cần thiết để mở ra cơ hội huy động thêm vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nâng cao thanh khoản cổ phiếu cũng như thương hiệu trên thị trường, đồng thời đem lại lợi ích tốt hơn cho các cổ đông.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Chứng khoán Dragon Capital, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư đều muốn rót vốn vào doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, lĩnh vực ngân hàng luôn đòi hỏi tính minh bạch cao, nên việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE/HNX là cần thiết. Vì khi niêm yết, các ngân hàng phải tuân thủ quy định công bố thông tin nghiêm ngặt và các báo cáo tài chính đều phải được kiểm toán để tăng độ minh bạch của hoạt động ngân hàng.