Một cá nhân chi gần 30 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của VRC

Bà Trần Thị Vân báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (mã VRC-HOSE).

Theo đó, bà Trần Thị Vân đã mua thành công 3.722.230 cổ phiếu VRC trong ngày 14/10, qua đó nâng sở hữu tại VRC từ 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4% lên hơn 5,72 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,44% và chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty.

Theo dữ liệu trên HOSE, trong phiên 14/10, cổ phiếu VRC chỉ khớp lệnh 22.900 đơn vị và giao dịch thỏa thuận đúng khối lượng cổ phiếu bà Vân đã mua vào, tương đương tổng giá trị đạt 27,28 tỷ đồng (tương ứng gần 7.329 đồng/cp).

Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 14//10, cổ phiếu VRC đóng cửa ở mốc 7.500 đồng và chốt phiên ngày 17/10, giá cổ phiếu này giảm còn 7.540 đồng/cp.

Mới đây, VRC cũng ghi nhận thay đổi nhân sự trong ban điều hành. Cụ thể: VRC đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của bà Nguyễn Thị Minh Khiêm kể từ ngày 03/10, đồng thời bổ nhiệm bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như đảm nhiệm vào vị trí này trong thời gian trên. Người đại diện pháp luật của VRC theo đó sẽ được thay đổi từ bà Khiêm sang bà Như.

Cũng trong ngày 03/10, VRC cũng đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT và Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán Công ty của ông Nguyễn Quốc Phòng vì lý do cá nhân.

Ngay sau đó, thì một loạt lãnh đạo VRC đăng ký thoái vốn như: ông Từ Như Quỳnh, Chủ tịch HĐQT VRC đăng ký bán hết hơn 6,26 triệu cổ phiếu VRC, tỷ lệ 12,53% từ ngày 16/10 đến ngày 14/11 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận nhằm thực hiện nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu giao dịch thành công, ông Quỳnh sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu VRC nào.

Trước đó, ông Phan Văn Tương - thành viên HĐQT đã bán xong 2 triệu cổ phiếu như đã đăng ký trong ngày 10/10 và giảm sở hữu từ hơn 9,32 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,65% xuống còn hơn 7,32 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,65% và vẫn là cổ đông lớn nhất của VRC.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét, VRC ghi nhận doanh thu đạt hơn 13 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (1,85 tỷ); lợi nhuận sau thuế đạt 1,03 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ (213 triệu đồng). Qua đó, nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên hơn 409 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch cả năm là 1,04 tỷ đồng, kết thúc nửa đầu năm công ty đã cán đích lợi nhuận.

Tuy nhiên trong BCTC này, bên kiểm toán nêu vấn đề cần nhấn mạnh. Cụ thể: bên kiểm toán lưu ý về việc Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đề nghị công ty nộp tiền thuế đất tại Bãi tắm Thùy Vân, TP. Vũng Tàu trong giai đoạn trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (từ ngày 30/11/1996 đến hết ngày 31/12/2005). Quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp thời điểm chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần không ghi nhận có nghĩa vụ nợ phải trả về tiền thuê đất này.

Hiện, công ty đang thực hiện khiếu nại kết luận của Thanh tra số 261/KL-TTr ngày 17/9/2018 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tiền thuê đất phải nộp từ ngày 30/11/1996 đến hết ngày 31/12/2005 với số tiền là 16.417.644.006 đồng và tiền phạt chậm nộp (nếu có) liên quan đến tiền thuê đất phải nộp theo Kết luận Thanh tra số 261/KL-TTr chưa được ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ.

Xem thêm tại vneconomy.vn