Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 17%
Mới đây, Chứng khoán KBSV đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu TPB bởi các yếu tố như kiểm soát tốt các cấu phần chi phí, kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu và lợi thế về hạn mức tín dụng.
Trong Quý IV/2023, thu nhập lãi thuần của TPB đã cải thiện lên mức 3.996 tỷ đồng khiến tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 4.443 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân hàng vẫn duy trì mức trích lập cao đạt 1.843 tỷ đồng nên LNTT giảm sâu chỉ còn 630 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, LNTT giảm mạnh 28,7%, đạt 5.589 tỷ đồng.
Hạn mức tín dụng của TPBank được NHNN cấp trong năm 2024 là 15,75%. KBSV cho rằng ngân hàng sẽ hoàn thành mức room được giao, động lực trong nửa đầu năm sẽ đến từ nhóm KHDN nhờ triển vọng tích cực của hoạt động xuất khẩu và đầu tư công; trong khi nửa cuối năm kỳ vọng kinh tế phục hồi cùng với nhu cầu tiêu dùng gia tăng sẽ cải thiện kết quả kinh doanh ở nhóm KHCN.
NIM của TPB trong quý III và quý IV/2023 liên tục cải thiện nhờ: phân bổ nguồn huy động tối ưu hơn với lượng tiền gửi khách hàng giảm đã hỗ trợ đà giảm của chi phí vốn (COF); trong khi lãi suất đầu ra tăng nhẹ đi ngược với xu hướng chung. Cho năm 2024, phía ngân hàng cho biết sẽ thực hiện giảm nhẹ nhiều gói lãi suất cho vay, cùng với độ trễ của mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ khiến lãi suất bình quân đầu ra (IEA) giảm thêm khoảng 40bps. Do đó, NIM kỳ vọng sẽ đạt mức 4,1% vào năm 2024 và tiếp tục tăng lên 4,27% trong 2025.
Biến động lãi suất – NIM |
Dù nợ xấu mới hình thành tăng cao, Ngân hàng vẫn thể hiện quyết tâm kiểm soát chất lượng tài sản bằng cách xử lý hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu khỏi bảng cân đối. Tỷ lệ NPL theo đó giảm từ 3% trong Quý III xuống còn 2% vào thời điểm cuối năm. Song song với đó, TPB đã trích lập thêm gần 4.000 tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho bộ đệm dự phòng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả LNTT sụt giảm mạnh trong 2023.
Về tình hình năm 2024, KBSV dự báo chất lượng tài sản sẽ cải thiện nhẹ trong bối cảnh kinh tế phục hồi, thị trường BĐS ấm lên. Nợ nhóm 2 giảm tương đối trong quý IV cho thấy tình hình nợ xấu đã khả quan hơn. Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng sẽ chỉ giảm nhẹ do số dư nợ xấu vẫn còn khá cao so với giai đoạn trước (NPL ~1%) khiến ngân hàng vẫn phải đẩy mạnh trích lập và xử lý nợ xấu để kiểm soát chất lượng tài sản. Dư nợ tái cơ cấu theo TT02 tại thời điểm cuối Quý IV là 1.466 tỷ đồng.
Nợ xấu và xử lý nợ xấu trong kỳ |
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TPB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 22.400 đồng/cp, kỳ vọng tăng 17%.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn