Một cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm 'big four' bứt phá, lập đỉnh mới ngay đầu năm 2025

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm Ất Tỵ 2025 với sắc đỏ khi VN-Index giảm hơn 12 điểm, xuống còn 1.253,03 điểm do ảnh hưởng từ biến động quốc tế. Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 4/2, chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ, lấy lại gần như toàn bộ số điểm đã mất.

Kết phiên ngày 4/2, VN-Index tăng 11,65 điểm, chốt ở mức 1.264,68 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 660 triệu cổ phiếu, tương đương 15.325 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với phiên trước. Sắc xanh bao trùm khi có tới 361 mã tăng điểm, trong đó 11 cổ phiếu tăng trần như VND, QCG, CTD. Ở chiều ngược lại, có 106 mã giảm và 50 mã giữ giá tham chiếu.

Một cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm 'big four' bứt phá, lập đỉnh mới ngay đầu năm 2025

Một trong những điểm sáng của thị trường là cổ phiếu CTG (VietinBank) khi bứt phá tăng 3,55%, vượt mốc 39.000 đồng/cổ phiếu và chốt phiên tại 39.400 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất lịch sử, phá vỡ đỉnh cũ thiết lập vào ngày 30/12/2024.

Thanh khoản CTG cũng tăng mạnh với 14,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, cao gấp 1,66 lần so với trung bình 10 phiên gần nhất, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 566 tỷ đồng.

Một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận sắc xanh không kém cạnh. Cụ thể, ABB (+2,78%); KLB (+2,59%); TPB (+2,48%); EIB (+2,20%)… Chỉ duy nhất có cổ phiếu PGB giảm 0,66% và LPB giữ giá.

Một cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm 'big four' bứt phá, lập đỉnh mới ngay đầu năm 2025

Theo báo cáo của SSI Research, VietinBank đang có triển vọng tăng trưởng tích cực và được khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 44.200 đồng/cổ phiếu. Cơ sở cho đánh giá này đến từ:

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) Q4/2024 đạt 12.250 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng giảm 45%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 38%, trong khi thu nhập từ nợ xấu đã xóa tăng 71%.

LNTT cả năm 2024 đạt 31.800 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch và dự báo trước đó.

Tín dụng tăng trưởng 16,8% so với đầu năm, đạt 1,72 triệu tỷ đồng. Dù danh mục trái phiếu doanh nghiệp giảm 24,6%, VietinBank vẫn hưởng lợi nhờ nhu cầu sản xuất và bán lẻ hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp.

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,25%, với tổng nợ xấu đã xử lý từ năm 2019 lên tới hơn 86.000 tỷ đồng. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng trong thời gian tới.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn